Home Hoạt động Thông tin chuyên môn
Hiện đại hoá dạy và học Cấu tạo kiến trúc với sự hỗ trợ của đối tác bên ngoài
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 21/6/2017

Cấu tạo kiến trúc (CTKT) là một trong những môn học nguyên lý chính và quan trọng về thiết kế (nguyên lý thiết nhà ở, nhà công cộng, cấu tạo kiến trúc, nội thất…) trong đào tạo Kiến trúc sư (KTS). Ngay cả khi đã ra trường, môn học này vẫn tiếp tục tham gia vào việc hành nghề của các KTS trong quá trình triển khai các công trình xây dựng thực tế. Đặc thù của môn học CTKT là tính thực tế cao, được kết nối chặt chẽ với sự phát triển công nghệ, vật liệu xây dựng. Chính vì vậy, môn học CTKT được xem là khá lý thú, bổ ích, liên quan trực tiếp đến kỹ năng phát triển nghề của SV. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ cho thấy cách dạy và học môn học này (đặc biệt là trong bối cảnh việc đào tạo KTS đang chạy theo số lượng hơn là chất lượng) chưa bắt nhịp được với xu thế đổi mới, phát triển của giáo dục đại học nói chung và đào tạo KTS nói riêng. SV học xong chưa đạt được các kỹ năng cần thiết, khả năng vận dụng kém. Giảng viên (GV) trong quá trình giảng dạy ít kết nối, tương tác với thực tế nên các kiến thức trở nên lạc hậu, không đáp ứng được các xu hướng của thị trường.
Việc tìm ra phương cách giảng dạy, phù hợp với các yêu cầu mới, dựa trên tính thực tế và tính tương tác của môn học, đồng thời có thể áp dụng vào việc soạn thảo mới giáo trình môn học đang trở thành một nhu cầu cấp thiết…

Thư viện Ninh Bình (Đồ án sinh viên)

Đánh giá môn học và những vấn đề đặt ra

Yếu tố đầu tiên – người học, SV kiến trúc năm thứ 2 mới bắt đầu bước vào giai đoạn đào tạo chuyên ngành sau một năm đào tạo cơ sở. Vì vậy họ chưa có hiểu biết nhiều về công trình thực tế, khả năng ứng dụng kiến thức chỉ cho các môn học đồ án vốn nặng tính giả lập nên SV rất dễ quên khi không có sự nhắc lại. Mặt khác, tình trạng chung của SV hiện nay là tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, nghe giảng, vẽ lại, mang tính bắt chước nhiều hơn là sự hiểu biết bản chất, (nguyên lý để có thể sáng tạo, thay đổi và vận dụng vào theo các điều kiện thực tế), phụ thuộc vào bài giảng, giáo trình mà không có sự liên hệ với thực tế. Để kiểm tra cuối môn học, SV phải vẽ các chi tiết, cách thức cấu tạo công trình (hầu như không có phần viết, nếu có thì chỉ mang tính chất hỗ trợ cho phần vẽ), việc vẽ này mang phần sao chép từ các hình vẽ có sẵn nhiều hơn là dựa trên việc hệ thống hoá những hiểu biết của mình. GV đánh giá SV dựa trên: (1) các bài kiểm tra trên lớp, (2) bài tập (lớn) và (3) bài kiểm tra kết thúc học phần.

Yếu tố thứ hai – người dạy, là các GV nhưng đồng thời cũng là KTS. Do tính chất nghề nghiệp, họ đa phần là những người năng động, tham gia nhiều công việc thiết kế thực tế. Vừa giảng dạy, vừa hành nghề thiết kế nên có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết xử lý kiến trúc, đồng thời cũng có nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp thiết kế, cung ứng các giải pháp công nghệ, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, một số GV ít va chạm với công trình thực tế nên không nắm bắt, cập nhật kịp thời sự tiến triển về công nghệ xây dựng và vật liệu xây dựng; một số khác, do chịu ảnh hưởng của thị trường nên trong lúc giảng dạy đôi khi nhấn mạnh các giải pháp cụ thể, đặc thù, xem nhẹ các nguyên lý, nguyên tắc mang tính cơ sở, kinh điển trong xử lý kiến trúc và kết nối với các chuyên ngành khác. Cách giảng dạy của môn học này, trước đây, khi các trường đại học chưa được trang bị máy chiếu, GV sử dụng bảng đen để giảng bài (GV vẽ trên bảng, SV vẽ và ghi chép lại) kết hợp với các hình vẽ mẫu trong giáo trình. Hiện nay, với sự hỗ trợ của máy chiếu, GV có thể giới thiệu các hình ảnh thực tế, sau đó sử dụng bảng đen để giải thích rõ hơn. Ngoài những kiến thức có trong giáo trình, GV thường đưa thêm những phần mở rộng hỗ trợ cho SV dựa trên những kinh nghiệm thực tế của mình, giới thiệu và cập nhật những công nghệ, vật liệu xây dựng mới, giúp bài giảng thêm phong phú và sinh động.

Yếu tố thứ ba là bài giảng và giáo trình. Hiện tại, nội dung bài giảng dựa trên việc phân chia các cấu kiện kiến trúc thành 6 nhóm: (1) Móng, (2) Tường, cột, (3) Sàn, dầm, (4) Mái, (5) Cầu thang, (6) Cửa. Các nhóm này thể hiện phương thức xây dựng “truyền thống” (cấu kiện chịu lực phương đứng – cấu kiện chịu lực phương ngang – cấu kiện khác). Tuy nhiên, kiểu phân chia này lại cho thấy thiếu sự kết nối giữa các cấu kiện, không thể hiện được quy trình xây dựng thực tế. Hệ thống giáo trình môn học được biên soạn từ cách đây hơn 10 năm, nhiều vật liệu và chi tiết cấu tạo, công nghệ xây dựng đề cập trong giáo trình đã trở nên lạc hậu, không còn hoặc sử dụng ít dần trong thực tế; mặt khác, một số công nghệ, vật liệu mới không được đề cập mặc dù đang rất phổ biến. Điều này là do hệ thống giáo trình này không có cơ chế cập nhật định kỳ. Bên cạnh đó, các GV cũng tự soạn các bài giảng điện tử riêng trên cơ sở giáo trình kết hợp với kinh nghệm và sự hiểu biết cá nhân, tuy được cập nhật thường xuyên hơn nhưng mang nhiều dấu ấn cá nhân, chưa có sự thống nhất giữa các GV cũng như chưa tạo ra được hệ thống dữ liệu trực tuyến chung để SV và GV cùng khai thác, tương tác.

Thông qua 3 yếu tố trên, có thể thấy hoạt động dạy và học môn CTKT chủ yếu theo một chiều, từ GV đến SV, còn chiều ngược lại, từ SV đến GV, rất mờ nhạt. Việc dạy và học vẫn theo kiểu “chay”, chủ yếu nặng về truyền thụ lý thuyết, không có thực hành, tham quan thực tế, không có thư viện học liệu, học cụ để minh hoạ. Một vấn đề khác nữa là môn học vẫn theo tình trạng chung: “giảng dạy cái GV/giáo trình có” chứ không phải “giảng dạy cái xã hội/thị trường cần”, không có kết nối với các môn học khác để kiểm tra, đánh giá “hậu môn học”. Đây là môn học mang tính thực tế cao nhưng lại chưa tận dụng được kinh nghiệm từ các KTS thiết kế thực tế; chưa tận dụng nhu cầu quảng bá, quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ, vật liệu xây dựng thông qua việc tự giới thiệu, tham gia vào quá trình đào tạo KTS. Dựa trên nhu cầu thực tế, môn học CTKT phải đảm bảo đồng thời: (1) tính lý thuyết của môn học, được thể hiện qua những lý thuyết cô đọng, chuyển tải dưới dạng nguyên lý chung, áp dụng cho nhiều trường hợp, không cụ thể chi tiết cho từng trường hợp riêng, đặc thù; (2) tính thực hành và áp dụng của môn học, được thể hiện qua các khả năng riêng, đặc thù cho các nguyên lý, nguyên tắc cấu tạo chung, dựa trên sự phong phú, đa dạng, tính tương đồng và tính khác biệt của các loại vật liệu. Các bài kiểm tra, bài thi giả lập các tình huống để tăng khả năng vận dụng của SV vào thực tế dựa trên các nguyên lý, nguyên tắc đã được truyền thụ trong một quá trình học tập mà SV sẽ đóng vai trò trung tâm, GV hỗ trợ sự tiếp nhận kiến thức của SV; SV trao đổi, thảo luận dân chủ với nhau và với GV (dưới tư cách đồng nghiệp), quan tâm kỹ năng đạt được, khả năng vận dụng của SV hơn là khối lượng kiến thức mang đến cho SV.

Một trong những hướng thay đổi của môn học này là thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức chuyên môn – được xem là những đối tác bên ngoài nhà trường – trong hoạt động giảng dạy đại học, đặc biệt là đào tạo KTS – vốn có bản chất là “truyền nghề – chỉ việc – hướng dẫn, hiểu biết – áp dụng – sáng tạo”. Chính những đối tác bên ngoài này cũng là những người sử dụng các “sản phẩm” con người được đào tạo bởi nhà trường, do đó, việc họ tham gia vào quá trình hình thành các “đầu ra” là thực sự cần thiết.

Thư viện Ninh Bình
Khách sạn Tây Hồ

Những đối tác bên ngoài nhà trường

Hiểu theo nghĩa rộng, những đối tác bên ngoài nhà trường chính là xã hội, bao gồm nhiều thành phần kinh tế, tổ chức, các cơ quan đoàn thể, đối tượng xã hội liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, cụ thể hơn, việc tham gia vào công tác giảng dạy của nhà trường sẽ chỉ tập trung vào nhóm đối tác gồm những doanh nghiệp tư vấn và các tổ chức hành chính sự nghiệp chuyên ngành, cụ thể là các đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc, kết cấu; các nhà cung cấp vật liệu xây dựng, công nghệ trong thiết kế kiến trúc và xây dựng; các nhà thầu thi công trực tiếp; các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao và cung cấp công nghệ liên quan, đồng thời có một trong những yếu tố sau:

  1. Có những công nghệ xây dựng mới cần được phổ biến ứng dụng;
  2. Có những cải tiến về công nghệ, biện pháp thi công xây dựng trong thực tế;
  3. Có nhu cầu đóng góp về đào tạo, phổ biến kiến thức thực tế trong môi trường giảng dạy;
  4. Nhận thấy có độ “vênh” giữa đào tạo và thực tế, có mong muốn góp phần lấp đầy khoảng trống đó.

Việc mời tham gia và đóng góp cho đào tạo của các đối tác bên ngoài sẽ tùy thuộc vào điều kiện thực tế của các đối tác, nhu cầu tiếp cận với thực tế do cán bộ giảng dạy đánh giá, và sẽ được cân nhắc để có sự tham gia phù hợp. Về cơ bản, việc hợp tác xây dựng sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở sau:

  1. Các đối tác tham gia sẽ được định danh cụ thể bởi một chuyên gia (hoặc nhóm chuyên gia) đại diện cho đơn vị đối tác;
  2. Các công việc, nội dung tham gia sẽ được điều hành chung và kiểm duyệt nội dung bởi hội đồng biên soạn (là đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy môn học).

Sự tham gia của các đối tác bên ngoài nhà trường vào môn học

Dựa trên những tiêu chí, có thể chia mức độ tham gia của các đối tác thành các cấp độ trực tiếp hoặc gián tiếp, trong đó, các công việc cụ thể sẽ được tiến hành, hay nói cách khác, là có thể định lượng được. Ở cấp độ chuyên sâu, các đối tác bên ngoài có điều kiện và nhu cầu thích hợp có thể tham gia trực tiếp vào quá trình giảng dạy, từ khâu biên soạn giáo án, cung cấp giáo trình (mang tính bổ trợ cho môn học) cũng như trực tiếp tham gia giảng dạy:

  1. Biên soạn giáo án, giáo trình: Các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể được mời đóng góp ý kiến/trực tiếp biên soạn cho toàn bộ giáo trình, hoặc từng phần riêng biệt. Việc này sẽ giúp cho môn học có điều kiện tiếp cận sát hơn với thực tế, những hiểu biết và kiến thức chuyên sâu của các chuyên gia sẽ giúp giáo trình giảng dạy có những thông tin cập nhật và hữu ích hơn. Công việc cụ thể sẽ được cân nhắc và kiểm duyệt nội dung bởi hội đồng biên soạn;
  2. Giảng dạy: Trong điều kiện cho phép, các chuyên gia đại diện đối tác bên ngoài sẽ được mời tham gia ở cấp độ giảng viên thỉnh giảng và cung cấp các nội dung đào tạo bổ sung trong phạm vi môn học (được lồng ghép phù hợp với chương trình), hoặc trong các buổi học chuyên đề chuyên sâu (dành cho đối tượng là sinh viên năm cuối);
  3. Cung cấp thông tin/hình ảnh/giáo cụ mang tính thực tế: Mang tính chất tham khảo và giới thiệu, các đơn vị đối tác có thể đóng góp cho giáo trình thông qua việc cung cấp công cụ bổ trợ cho giáo án, giáo trình; việc này giúp tăng độ tương tác và rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực hành (ví dụ như các sản phẩm, dây chuyền công nghệ, quy trình thi công… có thể gắn với những mô hình có thể quan sát trực quan trên lớp học);
  4. Hỗ trợ tổ chức tham quan ngoại khóa: SV có thể ra các công trường, công trình hoàn thiện… vào những thời điểm và địa điểm phù hợp…

Trong nhiều trường hợp, các đơn vị đối tác có thể không có điều kiện tham gia trực tiếp, thì có thể hỗ trợ cho việc đào tạo/giáo trình/giáo án/chương trình thông qua việc đóng góp ý kiến, phản hồi thông tin, phản biện… một cách gián tiếp trong quá trình biên soạn tài liệu và hiện thực hóa chương trình:

  • Đóng góp ý kiến: Với góc nhìn khách quan và thực tế, các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến cho toàn bộ hay từng phần nội dung chương trình/giáo án môn học. Những ý kiến sẽ được hội đồng biên soạn tổng hợp, xem xét và đánh giá;
  • Phản hồi: Thông tin phản hồi được thu thập định kỳ, thông qua đánh giá thực tế của các đối tác, bao gồm cả việc sử dụng nhân lực thực tế (là những SV sau khi ra trường làm việc tại các đối tác);
  • Phản biện: Tận dụng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực tế để có những ý kiến phản biện toàn diện, rút kinh nghiệm và triển khai môn học một cách hợp lý hơn.

Thay lời kết

Với các cấp độ tham gia khác nhau, việc triển khai thực tế sẽ thông qua các hình thức đa dạng, được tiến hành một cách phù hợp nhất. Với hình thức tham gia giảng dạy, do đặc thù công việc thực tế và quỹ thời gian khác nhau, các chuyên gia sẽ được mời với tư cách GV thỉnh giảng – với những tiết học của môn học CTKT (được sắp xếp thời gian phù hợp theo giáo trình và giáo án); hoặc GV thỉnh giảng chuyên đề CTKT (là môn học chuyên sâu cho sinh viên năm cuối) nhằm nhắc lại và bổ sung kiến thức cho SV trước khi ra trường. Việc tham gia giảng dạy sẽ được thực hiện dưới hình thức hợp đồng, thoả thuận thông qua sự đánh giá trước chất lượng bài giảng của hội đồng khoa học. Với hình thức tham gia biên soạn, sự tham gia của các chuyên gia sẽ được khai thác dựa trên việc phân chia lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù chuyên ngành của đối tác (theo cấu kiện sản xuất/sản phẩm, công nghệ, vật liệu xây dựng…) phù hợp với chương trình giảng dạy. Ở cấp độ thấp hơn, việc tăng cường tương tác giữa các đối tác với giảng dạy sẽ thông qua đóng góp ý kiến. Việc biên soạn và đóng góp ý kiến sẽ được thực hiện dưới hình thức những hội thảo khoa học nhỏ, thảo luận nhóm, hoặc đơn giản hơn là trao đổi trực tiếp giữa GV và chuyên gia, phù hợp với mối quan hệ nghề nghiệp của bộ môn giảng dạy và các GV. Việc tham gia đóng góp tài chính cũng đóng vai trò không nhỏ trong công tác đổi mới chất lượng giảng dạy, thông qua việc lập quỹ biên soạn, mục đích nhằm hỗ trợ tài chính cho giáo án, giáo trình từ khâu biên soạn xuất bản (in ấn/phổ biến thông qua internet…), đồng thời có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các GV tham gia.

Như vậy, sự tham gia hỗ trợ của các đối tác bên ngoài nhà trường sẽ là một hướng tiếp cận mới cho việc đào tạo KTS nói chung và môn học CTKT nói riêng. Sự tham gia này về bản chất có lợi đồng thời cho cả nhà trường lẫn các đối tác. Tuy nhiên để đạt được điều này, ngay từ bây giờ, cần có những nghiên cứu, đề xuất nhằm cụ thể hoá rõ ràng hơn các cách thức tham gia.

Ảnh trong bài: Đồ án môn học của SV trường ĐH Xây Dựng: (Nguồn: Tác giả)

TS.KTS Trần Minh Tùng – ThS.KTS Trần Tuấn Anh – ThS.KTS  Ngô Hà Thanh

Bộ môn Kiến trúc dân dụng –

Khoa Kiến trúc & Quy hoạch – ĐHXD

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04 – 2017)





Các đối tác

Kết nối