Home Hoạt động Hoạt động của bộ môn
BÀI GIẢNG “BẢO VỆ CÁC VÙNG VEN BIỂN BẰNG GIẢI PHÁP HẠ TẦNG VÌ CÁC DI SẢN VĂN HÓA: MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU” CỦA PGS. TS DAVID NEIL (ĐẠI HỌC QUEENSLAND – AUSTRALIA)
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 25/9/2017

Nhận lời mời của Bộ môn Kiến trúc Dân dụng thuộc Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, PGS. TS David Neil – chuyên gia ngành Địa lý học và Khoa học Môi trường đến từ Đại học Queensland, một trong tám trường đại học nghiên cứu mạnh nhất của Australia và có tên trong số 50 đại học hàng đầu thế giới theo cả hai bảng xếp hạng uy tín nhất về giáo dục đại học toàn cầu ngày nay là QS và Times Higher Education – đã có bài giảng chủ đề “Bảo vệ các vùng ven biển bằng giải pháp hạ tầng vì các di sản văn hóa: Một số trường hợp nghiên cứu” tại Đại học Xây dựng sáng ngày 21 tháng 09 năm 2017.

 

Đến dự có ThS. KTS Trần Quốc Việt – Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, TS. KTS Trần Minh Tùng – Phó Trưởng Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, TS. KTS Tạ Quỳnh Hoa – Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế, các giảng viên Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Kiến trúc Cảnh quan, Lý thuyết và Lịch sử Kiến trúc cùng sinh viên. Đặc biệt, do nội dung bài thuyết trình của diễn giả có liên quan đến khu vực ven biển, ThS. Dương Thanh Quỳnh và PGS. TS Phạm Hiền Hậu đến từ Khoa Xây dựng Công trình Biển và Dầu khí cũng quan tâm và tham gia.

 

Là một chuyên gia với 25 năm công tác và từng tham gia thực hiện hàng loạt dự án khắp thế giới, PGS. TS David Neil có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Diễn giả đã lựa chọn bốn dự án trong số đó để giới thiệu với giảng viên và sinh viên Đại học Xây dựng.

 

Venice là dự án đầu tiên được đề cập đến bởi lịch sử định cư lâu đời của con người nơi đây và cũng vì sự quá đặc biệt của thành phố cả về địa lý, kiến trúc, cảnh quan đô thị lẫn di sản văn hóa mà không nơi nào khác trên thế giới có được. Từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, khi thành phố hình thành bên bờ vịnh Adriatic, lịch sử trị thủy của thành phố cũng bắt đầu, với những công cụ và vật liệu sơ khai. Phải đến năm 1792, đường kè bao bảo vệ thành phố khỏi sự xâm thực của biển mới được hoàn tất. Tuy nhiên, năm 1966, một cơn bão mạnh đã phá vỡ tuyến kè này. Từ đó đến nay, thành phố chưa xây dựng lại một hệ thống bảo vệ có hiệu quả để giúp thành phố khắc phục tình trạng ngập lụt khi có bão từ ngoài biển Adriatic đổ bộ từ hướng Đông Nam kết hợp với những đợt tuyết tan, nước tràn xuống từ những rặng núi cao phía Tây Bắc. Mỗi khi Venice ngập lụt sẽ không còn nhận ra đâu là kênh và đâu là đường trong thành phố. Tất cả chìm dưới mức nước dâng 60 – 70 cm so với nền đường. Chính quyền thành phố đã nghiên cứu và thực hiện một phần dự án xây dựng nhằm bảo vệ Venice khỏi nguy cơ lún chậm và bị ảnh hưởng bởi bão cũng như nước dâng, với ba cửa thông ra biển ở ba vị trí phía Bắc (Lido), Trung tâm (Malamocco) và Nam (Chioggia). Dự án tiêu tốn một ngân sách rất lớn, hiện đã lên tới 5,4 tỷ euro và dự kiến còn tăng thêm nhiều, song vẫn phải thực hiện vì giá trị có một không hai của di sản Venice, không chỉ riêng đối với nước Ý, mà còn của cả Châu Âu và thế giới. Có bốn tiêu chí chính được chính quyền thành phố đưa ra đối với công trình và giải pháp kỹ thuật đi kèm: ít chiếm dụng khoảng không, giá trị thẩm mỹ cao, tác động môi trường không đáng kể và không cản trở các hoạt động kinh tế cũng như giao thông vận tải. Ngoài ra, do yêu cầu vệ sinh, tránh nước tù đọng trong các kênh rạch len lỏi khắp thành phố, cần phải thay nước sau một thời gian nhất định. Thông qua thủy triều lên xuống hàng ngày là cách hiệu quả nhất cần phải áp dụng. Có nhiều phương án khác nhau được đề xuất và ý tưởng hình bìa sách lật lên đặt xuống được lựa chọn. Theo đó một hệ thống gồm nhiều tấm bê tông dày được gắn vào một đường ống bê tông cỡ lớn đóng vai trò là những cánh cửa khớp bản lề với khuôn cửa được triển khai. Đường ống này rỗng bên trong và có lối cho người và xe qua lại. Bình thường thì các tấm bê tông có khả năng xoay quanh trục này được đặt chìm dưới lòng vịnh Venice. Khi có thông báo bão, hệ thống thủy lực được kích hoạt, các tấm bê tông này từ từ xoay quanh bản lề và nâng cao một đầu, nghiêng mặt vát ra phía biển, chắn các cơn sóng và giảm áp lực phá hoại kết cấu của sóng biển lúc gió bão. Đây là dự án khá phức tạp về kỹ thuật nên thời gian thi công kéo dài. Trong lúc chờ toàn bộ hệ thống hoàn thiện, người dân Venice vẫn phải tạm thời khắc phục tình trạng ngập úng bằng cách nâng cao cốt nền một số khu vực quá trũng và be bờ dọc theo vành đai thành phố để hạn chế nước dâng tràn vào bên trong gây ngập lụt.

 

New Orleans – một thành phố phía Nam Hoa Kỳ, giáp vịnh Mexico là một nơi thường xuyên bị các cơn bão mạnh từ Đại Tây Dương và biển Carribean tràn vào tàn phá, mà siêu bão Katrina năm 2005 là một ví dụ điển hình – được giới thiệu kế tiếp. Ngoại trừ khu trung tâm lịch sử có địa thế khá cao, phần lớn thành phố có cốt nền thấp nên phải chịu cảnh ngập lụt diện rộng khi có thiên tai. Dự án mà PGS. TS David Neil tham gia có vị trí nằm ở ngã ba sông Mississippi và một dòng hợp lưu, lại có một kênh đào bên cạnh nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi nước dâng. Chính vì lý do này, một hệ thống kè kiên cố dài 25 km ở cửa ngõ thành phố trên hướng biển đã được xây dựng năm 2008 sau ba năm bàn bạc, tranh luận. Và cũng chỉ mất ba năm dự án đã hoàn tất với sự đầu tư quy mô cả về công nghệ lẫn tài chính (1,1 tỷ đô-la Mỹ), tạo thành một vành đai vững chắc bảo vệ bờ biển mà hiệu quả được kiểm chứng qua trận bão mạnh Isaac năm 2012 quét qua khu vực New Orleans và vùng duyên hải Đông Nam Hoa Kỳ. Hệ thống kè được xây dựng với ba lớp, lớp chính giữa gồm một hệ thống cọc bê tông đóng sâu theo chiều thẳng đứng và dải giằng gia cố hai phía đóng xiên. Bản thiết kế được triển khai song hành với công tác thi công là điểm khác biệt của công trình này so với các dự án thông thường. Tại một số vị trí, cửa sập được xây dựng để điều chỉnh lượng nước ra vào và tạo điều kiện cho tàu thuyền có thể qua lại. Ở khu đất nghiên cứu, nhóm dự án đã đề xuất lập một hệ thống vòng càng cua có thể chuyển động từ hai phía kép kín ở giữa để ngăn dòng khi có bão, còn bình thường thì để mở tạo luồng lạch thuận tiện cho giao thông đường thủy.

 

Trường hợp nghiên cứu thứ ba là thành phố Saint Petersburg ở Liên bang Nga. Đây là một đô thị lịch sử với dòng sông Neva thơ mộng cùng rất nhiều di sản kiến trúc tuyệt đẹp như Cung điện Mùa Đông, Nhà thờ Chúa Cứu thế trên Máu đổ, Nhà thờ Chúa Ba ngôi, Nhà thờ Thánh Isaac, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, Nhà hát Thành phố, …  Saint Petersburg nhìn ra vịnh Nevskaya và thông với biển Baltic. Trong lịch sử, đây là cửa ngõ thông thương về thương mại của Nga, kết nối với các tuyến hàng hải quan trọng ở Bắc Âu và Tây Âu, đồng thời cũng là một điểm nút/liên kết về văn hóa với các quốc gia trong khu vực và còn đóng vai trò cứ điểm phòng thủ về mặt quân sự giúp nước Nga ngăn chặn được sự xâm chiếm của người Thụy Điển suốt thời kỳ Trung Cổ. Chính vì vị trí chiến lược, dù địa hình thấp không thuận lợi cho việc xây dựng đô thị, các đời Sa Hoàng Nga vẫn dồn nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ thành phố với đường bao biển và pháo đài tiền tiêu kiên cố ngoài vịnh Nevskaya. Ngày nay, Saint Petersburg tiếp tục duy trì vị thế là một trung tâm văn hóa – nghệ thuật tầm cỡ thế giới và điểm đến hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm, đem lại một nguồn thu nhập lớn cho chính quyền và người dân nơi đây. Khi quân đội triệt thoái khỏi các cứ điểm ngoài vịnh, hoạt động kinh tế và thương mại của Saint Petersburg sôi động hơn và dân số tăng nhanh hơn, lên đến 5,2 triệu người năm 2016, so với 4,8 triệu người năm 2010 và 4,5 triệu người thời điểm Liên bang Xô Viết tan vỡ (1991). Hệ thống đê chắn sóng và ngăn nước biển dâng đồng thời là đường cao tốc sáu làn xe, với hai đoạn, một chạy nổi trên cao với 2/3 chiều dài và phần còn lại đi ngầm dưới mực nước biển. Ở đoạn đường cao tốc đi ngầm, phía trên là hệ thống trụ chắn để tàu chở hàng đi lại bình thường và đặt các kết cấu có khả năng di chuyển khép kín với nhau khi cần bảo vệ thành phố.

 

Ví dụ cuối cùng đến từ Hà Lan, một quốc gia có quá nửa diện tích thấp hơn mực nước biển và nổi tiếng thế giới vì các công trình ngăn biển giữ đất kỳ vĩ. Cụ thể hơn, đó là đập Ramspol ở miền Trung Hà Lan gần thị trấn Kampen. Đây là một trường hợp rất đáng chú ý vì tính hiện đại về mặt kỹ thuật. Thay vì một tuyến đê sông đồ sộ vững chãi có khả năng bảo vệ tốt nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, các kỹ sư xây dựng Hà Lan đã chọn một giải pháp thông minh và độc đáo, khi lập nên một tuyến đập bằng cao su. Bình thường, hệ thống này chìm dưới lòng sông và neo chắc tại một số vị trí cố định với các khung bê tông cốt thép đặt ngầm. Trong trường hợp cần thiết, chỉ sau 20 – 40 phút, hệ thống bơm khí sẽ bơm căng phồng túi cao su này lên giống như bơm một bánh xe đạp, tạo thành một chiếc đập ngăn nước nổi trên dòng sông. Khi bão tan nước rút, hơi được tháo ra và tuyến đê xẹp xuống, trả lại cảnh quan thiên nhiên của khu vực.

 

Diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các thành phố và cộng đồng dân cư cùng những di sản văn hóa. Vấn đề đó đã được đặt ra suốt 50 năm qua và còn tiếp tục được nghiên cứu trong nhiều năm tới, khi bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi: dân số gia tăng, biến đổi khí hậu diễn biến ngày một phức tạp, nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, thiên tai xảy ra dồn dập hơn và mức độ tàn phá lớn hơn, … đòi hỏi con người phải có những nỗ lực không ngừng nghỉ cũng như biện pháp quản lý quy hoạch và xây dựng hiệu quả hơn để giảm thiểu tác động của thiên tai, ổn định bảo đảm an toàn cho cuộc sống.

 

Diễn giả cũng chia sẻ góc nhìn về thẩm mỹ đối với những công trình bảo vệ các vùng ven biển vốn được biết đến bởi mức độ “kiên cố” và quy mô “hoành tráng”. Ngoài tính bền vững về mặt vật lý để đảm bảo an toàn cho các khu đông dân cư ven biển có nhiều di sản quý báu, các đê biển hay kè chắn sóng phải chú ý đến yếu tố thẩm mỹ để không làm hỏng cảnh quan thiên nhiên. Xu thế tất yếu của xã hội nói chung và kiến trúc – xây dựng nói riêng càng ngày càng đòi hỏi cao vẻ đẹp, bất luận đó là loại hình nào và với mục đích sử dụng là gì. Điều này rất được giới kiến trúc sư quan tâm vì thẩm mỹ là một trong những yêu cầu hết sức cơ bản đối với công tác thiết kế và sáng tạo phục vụ con người, phục vụ cuộc sống. Trong mục hỏi đáp cuối buổi, PGS. TS David Neil còn gợi ý một số giải pháp có thể phù hợp với điều kiện của vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực ở Việt Nam đã, đang và sẽ còn chịu nhiều tác động của hiện tượng nước biển dâng và bão nhiệt đới. Theo diễn giả, giải pháp thiên nhiên như trồng rừng phòng hộ ven biển, bảo tồn các khu rừng ngập mặn với các loài thực vật có bộ rễ dày đặc ăn sâu và đan vào nhau có khả năng chống chịu bão tốt, hạn chế đáng kể hiện tượng xâm thực của biển sẽ luôn hiệu quả, giúp củng cố hệ sinh thái và nâng cao tính đa dạng sinh học tại chỗ, kết hợp với giải pháp nhân tạo lùi sâu bên trong sẽ là hướng đi mà Việt Nam cần cân nhắc và áp dụng, thay vì tạo ra những đê đập quy mô lớn ven biển.

 

TS. KTS Nguyễn Quang Minh

Bộ môn Kiến trúc Dân dụng


Phụ lục:


Hình 1a - 1b: Một số công trình kè bảo vệ bờ biển mà diễn giả từng tham gia qua những dự án quốc tế (Nguồn: David Neil)

 

Hình 2: Diễn giả chụp hình lưu niệm với các giảng viên và sinh viên hai Khoa – Kiến trúc và Quy hoạch và Công trình biển tham dự bài giảng (Nguồn: Phạm Hiền Hậu)







Các đối tác

Kết nối