Home Góc sinh viên Chia sẻ kinh nghiệm
Sinh viên kiến trúc cần trang bị những gì để bước vào trường đời?
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 4/7/2022

Đây không phải câu hỏi lạ lẫm gì nhưng qua những năm tuyển dụng cho một công ty thiết kế Việt Nam trẻ tuổi kết hợp góc nhìn của kinh nghiệm làm việc tại các công ty nước ngoài, trong sự so sánh với các đồng nghiệp trẻ tuổi phương Tây, tôi nhận thấy có sự khác biệt nhất định.

kienviet sinh vien kien truc can chuan bi nhung gi de buoc vao truong doi

Dưới đây tôi sẽ phân tích xem chúng ta đang bị thua thiệt thế nào so với KTS trẻ nước ngoài hoặc so với lớp đàn anh, đàn chú của mình, từ đó tìm ra cách giải quyết.

Tôi đánh giá theo 03 tiêu chí: Tính chuyên môn, Tính thích ứng và Tính chịu đựng:

Tính chuyên môn:

  1. Thiết kế: có ý tưởng và nhiều khi cũng “tưởng mình có ý”, nhưng tập trung quá nhiều vào thẩm mỹ mà không đối chiếu với công năng dẫn đến phi thực tế. Đồng thời nhà trường cũng chưa nói cho các bạn rõ các giai đoạn của một dự án chuyên nghiệp là thế nào dẫn đến việc các bạn bị “ngợp”.
  2. Hiểu biết kỹ thuật: gần như bằng “0”, do trong quá trình học tập chỉ tập trung vào Thiết kế thẩm mỹ và không gian, bỏ quên thiết kế kỹ thuật. Các bạn có thể tham khảo cuốn sách “Architectural Graphic Standard – Student Edition” để thấy sinh viên nước ngoài cần kiến thức thế nào.
  3. Phần mềm: đa số tốt, tùy triết lý mỗi công ty thiết kế mà sẽ được đánh giá cụ thể; tuy nhiên đầu ra của mỗi trường đào tạo có điểm mạnh yếu riêng, nội dung này tôi sẽ nói rõ hơn trong bài viết khác.

Tính thích ứng:

  1. Ngôn ngữ: trình độ tương đối thấp dẫn đến khả năng tự nghiên cứu bị hạn chế và mất tự tin khi giao tiếp đối với các dự án có yếu tố nước ngoài, từ đó cơ hội thăng tiến và phát triển không cao như thực chất khả năng của mình.
  2. Kỹ năng mềm: mà chủ yếu ở đây là giao tiếp chỉ ở mức trung bình, không thật sự hoạt bát để phối hợp nội bộ, từ đó vai trò ít được biết đến, gần như ngồi một chỗ và thụ động.

Tính chịu đựng:

Tôi dùng yếu tố này để nói đến việc các bạn trẻ phát triển trong môi trường “bao bọc” ở Đại học dẫn đến các suy nghĩ/ nhìn nhận làm suy yếu khả năng chịu đựng thực tế khi hành nghề chuyên nghiệp, hoặc chí ít phải thay đổi qua rất nhiều môi trường làm việc thì mới “tìm ra được chính mình”.

  1. Ảo tưởng: truyền thông, mạng xã hội làm cho các bạn định nghĩa sai về ngành nghề mà ở đó Kiến trúc sư phải “chất”, công trình phải “dị” và có khó khăn thực tế phũ phàng thì cứ để mấy ông Kết cấu hay Thi công “lo”. Sai lầm.
  2. Triết lý: khối phải lạ, nhiều không gian trống, cây xanh đầy ắp, vật liệu phải thiệt lạ, rẻ càng tốt, etc. Lạ lắm, người ta nói “tấc đất tấc vàng” nhưng thế hệ ngày nay chúng lại xem tiền, bảo trì, công sức sửa chữa sau một thời gian sử dụng là của Chủ đầu tư lo, còn ta cứ làm cho sướng!
  3. Ngộ nhận: đến từ sự quan sát từ các thế hệ đi trước trong giai đoạn chuyển giao kinh tế chung nên chúng ta đang chuyển từ chế biến Hủ tiếu nam vang xịn về Mì ăn liền tôm chua cay mà ở đó mọi thứ xảy rất nhanh rồi ai bị cay thì tính sau.

Từ những phân tích trên, tôi đề xuất các bạn suy nghĩ về những điều sau:

  • Tìm hiểu xem Kiến trúc sư là ai: Kiến trúc nhập môn chưa đủ thì đi hỏi thầy cô, thầy cô chưa trả lời đủ thì trực tiếp hỏi “sếp” khi thực tập, sếp trả lời chưa đã thì lên youtube, lên google tìm sẽ ra. Chắc hẳn các bạn đã nghe “Kiến trúc là một nghề vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính kỹ thuật”, và hai yếu tố này không tách nhau được.
  • Đi học Anh văn: không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống ngày nay ngôn ngữ giao tiếp quốc tế là không thể thiếu, riêng việc các bạn ra đường bị ông Tây nào đụng, rồi ổng trổ một tràng bô bô, rồi bạn gật gật, rồi bạn ngậm thiệt thòi hoặc cho ổng một đấm, rồi bị người ta quay Tiktok chê. Mọi chuyện có thể giải quyết bằng lời nói mà, có ngoại ngữ sẽ giúp các bạn tự tin và mau có bạn trai/ bạn gái hơn. Nói thiệt!
  • Đi thực tập: đừng để đến năm 5 mới đi thực tập, phải đi sớm từ năm 2, bị “bóc lột” sớm, bị “chửi” sớm, bị cho ngồi vẽ chi tiết Nhà WC sớm để va chạm và tìm cơ hội hiểu hơn về cái mình đang học và đang làm. Tuy nhiên phải luôn nhớ bây giờ mình là “monkey cad”, là họa viên Ba Đê nhưng sau này mình sẽ chủ trì 1 dự án bự, vậy mình cần quan sát điều gì?
  • Để ý: mỗi khi vẽ một chi tiết nào trong đồ án, hoặc xem hình tham khảo thì thử suy nghĩ xem họ sẽ thi công như thế nào, vật liệu mình muốn là gì, các lớp cấu tạo ra sao. Nhiều anh chị vẽ nhà đẹp, nhưng sử dụng một thời gian là bị thấm, bị rớt, bị xệ, bị kì kì là vậy.
  • Cuối cùng là: bớt tin mạng xã hội nhé, cái gì lên đó cũng hoành tráng cả, tin hay không thì tùy các bạn.

Lời kết:

Ở đây tôi đề cập đến đa số các trường hợp, đương nhiên vẫn có các bạn triển vọng rất tốt nhưng chỉ cần kiên nhẫn và chịu khó học hỏi sẽ tiến rất xa.

Các đánh giá trên mình bỏ qua yếu tố ngược lại là môi trường làm việc và người dẫn dắt, nội dung đó lớn hơn và sẽ đề cập trong bài viết khác

Bất kì ai đang hành nghề gì, thì các bạn đang đại diện cho Ngành đó trong cái nhìn của Xã hội và Thị trường, bất kể gốc gác bạn học từ các Trường chính quy, dân lập, bán công, thành phố hay tỉnh lẻ nào.  Do vậy nâng giá trị của mình là nâng giá trị của Ngành và tự khắc thu nhập của các bạn sẽ tốt hơn.

Trong thế giới phẳng ngày nay, cơ hội để học hỏi và phát triển là vô tận nhưng sẽ bị hạn chế rất nhiều nếu các bạn bị “dính” vào bất kì yếu tố nào mà mình kể ở trên. Hy vọng bài viết có ích cho anh chị, các bạn sinh viên. 

KTS Nguyễn Trường Giang – 717 Architects (Theo Kienviet.net)





Các đối tác

Kết nối