Home Tin tức Hoạt động của bộ môn
KIẾN TRÚC SƯ YANN FOLLAIN VÀ BÀI GIẢNG “ĐA DẠNG SINH HỌC LÀ YẾU TỐ CHÍNH TẠO NÊN MÔI TRƯỜNG SỐNG THÚ VỊ TẠI ĐÔNG NAM Á” NGÀY 01/09/2017

By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 10/9/2017

Nhận lời mời của Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Kiến trúc sư Yann Follain – Kiến trúc sư chính của Công ty Thiết kế Kiến trúc WY-TO có trụ sở tại Paris và văn phòng đại diện ở Singapore cũng như một số quốc gia khác – đã có bài giảng chuyên đề cho sinh viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch sáng thứ sáu ngày 01 tháng 09 năm 2017. Chủ đề mà diễn giả lựa chọn để trình bày – thiết kế không gian cư trú lồng ghép sự đa dạng sinh học và tính bền vững – là một trong ba lĩnh vực tư vấn mà Kiến trúc sư Yann Follain và các cộng sự của mình theo đuổi và thu được nhiều thành công trong những năm qua. Bản thân diễn giả Yann Follain năm 2016 còn được Trung tâm Nghệ thuật Kiến trúc Châu Âu vinh danh là một trong số 40 Kiến trúc sư dưới 40 tuổi thành đạt và có đóng góp quan trọng trong sự phát triển Kiến trúc Đương đại tại Châu Âu.

Tham dự bài giảng có bà Elise Luong – Giám đốc Truyền thông của Văn phòng Kiến trúc Group 8 Asia – đối tác của WY-TO và đã hỗ trợ kết nối để mời được Kiến trúc sư Yann Follain đến thuyết trình tại Đại học Xây dựng, có ThS. KTS Doãn Thế Trung – Trưởng Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, TS. KTS Trần Minh Tùng – Phó Trưởng Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, các giảng viên Bộ môn và gần 100 sinh viên trong Khoa.

Bài giảng của Kiến trúc sư Yann Follain kéo dài hơn 90 phút bao gồm hai nội dung chính.

Phần thứ nhất là lý luận về vai trò của thiên nhiên và cảnh quan đối với cuộc sống của con người trong các đô thị, nơi mà không gian thiên nhiên bị thu hẹp đáng kể bởi sự phát triển quá mức kiểm soát và cuộc sống của con người do sự tiến bộ của công nghệ đã xa rời dần khỏi thiên nhiên, ngày một khép kín trong những không gian nhân tạo đang tiêu tốn nhiều năng lượng và phát thải một lượng khổng lồ khí CO2 vào khí quyển gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, diễn giả đã làm rõ tầm quan trọng của đa dạng sinh học, một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với con người song chưa nhận được nhiều sự quan tâm ngoài lĩnh vực sinh học, mà kiến trúc và quy hoạch đô thị không phải là ngoại lệ. Trong kiến trúc, thiết kế cảnh quan có mối liên hệ mật thiết với sinh học và sự đa dạng sinh học. Sự sinh trưởng của các loài động thực vật, nhất là các loài bản địa góp phần trực tiếp tạo nên sự đa dạng sinh học tại mỗi khu vực, không chỉ làm đẹp cảnh quan hay cải thiện khí hậu mà còn làm giàu sinh quyển, tạo nguồn gen dự trữ về lâu dài cho các thế hệ tương lai cũng sẽ được thụ hưởng. Kiến trúc sư đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thiên nhiên gần hơn với cuộc sống con người, nhằm tái lập sự hài hòa vốn có trước kia đã bị mất cân bằng sau một thời gian dài tập trung tiến hành công nghiệp hóa và đô thị hóa mà coi nhẹ môi trường sinh thái, bằng cách tạo ra hệ thống cảnh quan thiên nhiên nhiên nhiều cấp độ, từ quy mô lớn (toàn đô thị) đến quy mô nhỏ (trong từng công trình) có sự liên kết để con người có thể tiếp cận mọi nơi – mọi lúc.

Phần thứ hai, tác giả đã làm rõ các luận điểm đã trình bày qua ba ví dụ minh họa trong khu vực Đông Nam Á: Mobile Lotus (Nhà Sen Di chuyển) ở hồ Tonle Sap (tức Biển Hồ) ở Cambodia cùng hai dự án đến từ Indonesia là Green Breeze (một tổ hợp đa chức năng cao tầng) và Archipelago School (trường học thấp tầng góp phần đào tạo nên những chuyên gia môi trường cho tương lai và những người ra quyết sách phát triển sau này vì môi trường). Ba dự án kể trên khác nhau về quy mô công trình, tính chất sử dụng, mức độ sử dụng công nghệ, … song đều có hai điểm chung là 1. nghiên cứu rất kỹ điều kiện thời tiết – khí hậu của mỗi khu vực để thiết lập nên những không gian sinh sống và làm việc tiện nghi nhất và 2. áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp thiết kế thông minh nhằm đạt sự bền vững tối đa, trong đó giải pháp cảnh quan rất đáng chú ý khi tăng đáng kể tỷ lệ xanh hóa so với các công trình khác cùng thể loại. Các giải pháp công nghệ cao như khai thác năng lượng mặt trời, thu và sử dụng nước mưa, ngoài ý nghĩa thân thiện với môi trường còn có giá trị về cảnh quan khi phục vụ trực tiếp sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật được chính kiến trúc sư lựa chọn khi đưa vào bên trong cũng như xung quanh công trình, qua đó cũng tạo nên môi trường cư trú thích hợp cho một số loài động vật. Bằng quan niệm và những cách thức đơn giản như vậy, bất kỳ không gian nào, trong hay ngoài đô thị, đều có thể trở thành một bảo tàng mở về sinh học, hoặc một vườn bách thảo/bách thú “không chính thức nhưng đúng nghĩa”.

Mobile Lotus ở Cambodia thực chất là một trung tâm giáo dục cộng đồng, nơi đào tạo cho cư dân địa phương và bất cứ ai quan tâm đến dự án khôi phục thiên nhiên và hệ sinh thái đặc trưng của Biển Hồ – một nguồn sinh kế lâu đời đồng thời cũng là một địa điểm linh thiêng đối với người dân Cambodia qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm qua, các hoạt động kinh tế của con người quanh hồ đã gây xói mòn đất đai, ô nhiễm môi trường nặng nề và suy giảm nghiêm trọng hệ sinh thái của khu vực. Do vậy, yêu cầu khôi phục lại cảnh quan thiên nhiên như trước đây được đặt ra như một vấn đề cấp bách. Kiến trúc sư đã tích hợp đồng bộ bốn gói giải pháp về năng lượng – nước – vật liệu xây dựng – cây trồng trong một không gian nhỏ, đơn giản về mặt chức năng, tải trọng nhẹ để có thể nổi trên mặt nước và có tham khảo một số cấu trúc xây dựng truyền thống trong khu vực. Trên hệ khung vỏ bao che, kiến trúc sư đã đặt một bồn cây nhỏ vào mỗi khoảng trống giữa các thanh. Trên hồ, xung quanh công trình, những bè nổi trồng các loại thực vật hấp thụ các chất gây ô nhiễm hòa tan được thả, có tác dụng làm sạch nước hồ.
Tương tự như vậy là giải pháp thiết kế nên trường học Archipelago ở Indonesia. Kiến trúc sư đã thành công khi khai thác cấu trúc hoa văn đậm chất dân gian trên vải dệt của người dân địa phương để tạo nên quần thể công trình với khoảng cách cần thiết đảm bảo liên hệ thuận tiện và tối ưu về thông gió cũng như chiếu sáng tự nhiên. Ngoài ra, bản thân mỗi công trình nhỏ là sự sáng tạo dựa trên kiến trúc nhà ở truyền thống của người dân đảo Java với hệ mái dốc hai lớp có khe đón gió, hàng hiên rộng và cấu trúc thoáng bốn mặt được xây dựng bằng những vật liệu tự nhiên có sẵn như gỗ, tre, đất, lá. Ngoài hệ thống cây trồng có sẵn trong và xung quanh khu đất được giữ lại tối đa, kiến trúc sư đã cố gắng phủ xanh tất cả các bề mặt, chẳng hạn như trồng rau trên mặt đất và trồng cây cảnh trong các khoảng sân, để mọi góc nhìn, từ trong ra và từ ngoài vào, học sinh cũng như giáo viên đều thấy được màu xanh của cây cỏ.

Trong khi đó, tòa nhà Green Breeze lại theo xu thế kiến trúc hiện đại cao tầng. Tuy nhiên, thay vì thiết kế 11 tòa nhà cao bằng nhau, kiến trúc sư đã tạo ra một “trò chơi sắp xếp hình khối, vừa dịch các khối so le nhau, vừa thay đổi độ cao của từng khối nhà tạo thành một quần thể nhấp nhô và sống động. Hơn nữa, bằng cách đưa công trình lên cao, tầng mặt đất được giải phóng, giúp kết nối các trục cảnh quan, tạo chiều sâu cho không gian và tối đa hóa khả năng quan sát cho người đi lại trên đường. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng nhất trí với ý đồ của kiến trúc sư thực hiện xẻ khe sâu và đục thủng khối tháp dạng hộp đặc ban đầu sao cho tất cả các căn hộ trong đó đều đón được gió mát và ánh sáng, nhờ thế hiệu quả về năng lượng có thể dễ dàng đạt được. Chất lượng môi trường sống còn được nâng cao đáng kể khi hệ thống sân vườn và tường phủ thực vật xanh tốt quanh năm hiện diện khắp nơi, kết hợp với các bể cảnh vừa và nhỏ dọc theo đường đi bộ trên cao kết nối các khối tháp với nhau, rất thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Mỗi tòa tháp được bao bọc bằng thảm thực vật bên ngoài, có tác dụng lọc bụi, hạn chế hơi nóng xâm nhập và giảm tiếng ồn từ ngoài vào. Tiếp đến là khoảng đệm sẽ phát huy tác dụng ngăn chặn nếu các tác động bất lợi vẫn lọt vào bên trong qua lớp vỏ ngoài. Được bảo vệ hai lần như vậy, không gian ở hoàn toàn đảm bảo tiện nghi nhiệt, được thông gió và chiếu sáng tự nhiên đầy đủ. Với hệ thống cảnh quan xanh dưới tầng thấp, việc tưới nước và cung cấp chất dinh dưỡng cho các loài thực vật được đảm bảo nhờ hệ thống phun tưới nhỏ giọt tự động được lập trình sẵn. Trên các tầng cao, hệ thống này khó phát huy hiệu quả nên việc chăm sóc được thực hiện bởi đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Bài thuyết trình của Kiến trúc sư Yann Follain thật sự đã truyền cảm hứng cho sinh viên và cả các giảng viên tham dự, với những giải pháp khả thi song đạt hiệu quả cao và không kém phần táo bạo, vừa có sự hiện diện công nghệ hiện đại vừa có bóng dáng của các yếu tố bản địa hoặc kinh nghiệm truyền thống được kết hợp khéo léo. Bộ môn Kiến trúc Dân dụng sẽ còn mời các chuyên gia nước ngoài đến thuyết trình để nhiều sinh viên kiến trúc có cơ hội học hỏi được nhiều kiến thức chuyên ngành bổ ích và phục vụ thiết thực cho việc thực hiện các đồ án môn học.

TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Bộ môn Kiến trúc Dân dụng
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch




Các đối tác

Kết nối