Home Tin tức Kiến trúc xây dựng
Giải thưởng Kiến trúc Pritzker 2021 được trao cho Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal

By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 23/3/2021

Được mệnh danh là “Giải Nobel Kiến trúc”, Giải thưởng Pritzker năm nay đã được trao cho bộ đôi KTS Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal – những người cống hiến không ngừng cho mục đích xã hội với không gian thân thiện môi trường và giá cả phải chăng.

KTS Anne Lacaton và KTS Jean-Philippe Vassal. Ảnh: Laurent Chalet

Ngày 16/3, Chủ tịch Quỹ Hyatt, Tom Pritzker đã đứng ra công bố người chiến thắng Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2021 là bộ đôi KTS nổi tiếng, người sáng lập văn phòng thiết kế Lacaton & Vassal. Đây cũng là người thứ 49 và 50 đứng trên bục vinh quang của giải thưởng danh giá nhất trong ngành kiến trúc. Cả hai đã có những dự án nhà ở bền vững, chuyển đổi mục đích sử dụng như Palais de Tokyo ở Paris (2012), Cap Ferret House ở Pháp (1998), nhà ở xã hội cho Cité Manifeste (Mulhouse, France, 2005) hay École Nationale Supérieure d’Architecture de Nantes (Nantes, France, 2009).

Chuyển đổi 530 căn nhà ở Tòa nhà G, H, I, Grand Parc thuộc dự án nhà ở xã hội (thực hiện cùng Frédéric Druot). Ảnh: Philippe Ruault

Trong suốt ba thập kỷ làm việc và cống hiến, Lacaton & Vassal luôn đặt kim chỉ nam trong nghề là “làm giàu cho cuộc sống nhân loại”, mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân và hỗ trợ sự phát triển của thành phố. Lacaton và Vassal đã mang đến những đóng góp nhất quán và đáng kể không chỉ cho xã hội mà còn về môi trường.

Bộ đôi này đã hoàn thành hơn 30 dự án ở khắp châu Âu và Tây Phi, bao gồm cả nhà ở tư nhân và xã hội, phát triển đô thị và các tổ chức văn hóa, đồng thời bắt đầu mọi dự án bằng quá trình khám phá, từ quan sát, tìm kiếm giá trị của những gì đã tồn tại trước đó.

“Một kiến trúc tốt có ý nghĩa là sự cởi mở – cởi mở không chỉ cho cuộc sống này mà còn nâng tầm sự tự do của mỗi người, nơi ai cũng thỏa sức làm điều họ muốn. Kiến trúc không nên chỉ mang tính minh họa hay áp đặt, chính nó phải truyền tải được sự gần gũi quen thuộc, hữu ích, đẹp đẽ, âm thầm hỗ trợ những cuộc sống nhỏ trong đó”, Anne Lacaton chia sẻ.

Nhà ở Xã hội và Sinh viên Ourcq-Juarès. Ảnh: Philippe Ruault 

Cách tiếp cận của Lacaton và Vassal được đánh giá cao khi cải thiện cuộc sống con người và xem xét lại định nghĩa về chính nghề nghiệp của họ, tạo ra các biện pháp can thiệp “đáp ứng tình huống khẩn cấp về khí hậu và sinh thái của thời đại cũng như các vấn đề cấp bách xã hội, đặc biệt lĩnh vực nhà ở đô thị”. Bộ đôi này tin tưởng vào nguyên tắc “không bao giờ phá bỏ”, tận dụng cơ hội để nâng cấp và chuyển đổi, lưu giữ những đặc tính lâu dài của một tòa nhà.

Ngôi nhà ở Bordeaux. Ảnh: Philippe Ruault

“Năm nay, hơn bao giờ hết, chúng tôi nhận thấy mình là một phần của nhân loại nói chung. Có thể vì tình hình sức khỏe chung của thế giới, của chính trị hoặc xã hội, rất cần xây dựng ý thức tập thể. Giống như trong bất kỳ hệ thống liên kết nào, cần công bằng với môi trường, công bằng với nhân loại, công bằng với thế hệ sau. […] Lacaton và Vassal cực đoan trong sự tế nhị và táo bạo nhờ sự tinh tế của họ nhưng lại thẳng thắn đối với môi trường được xây dựng”, Alejandro Aravena, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Kiến trúc Pritzker đánh giá cao người được chọn của giải thưởng năm nay.

Địa điểm Sáng tạo đương đại Palais de Tokyo. Ảnh: Philippe Ruault

Gặp nhau vào cuối những năm 1970 tại École Nationale Supérieure d’Architecture et de Paysage de Bordeaux, Anne Lacaton (1955, Saint-Pardoux, Pháp) và Jean-Philippe Vassal (1954, Casablanca, Morocco) đã bắt tay cùng xây dựng dự án chung đầu tiên của họ ở Niamey, Niger, một túp lều tạm thời bằng rơm, được xây dựng bằng những cành cây bụi có nguồn gốc địa phương chịu được gió. Vào thời điểm đó, họ đã hạ quyết tâm sẽ “không bao giờ phá hủy những thứ có thể cứu được, linh hoạt từ việc bổ sung và tôn trọng sự đơn giản, đề xuất những khả năng mới”.

Năm 1987, cả hai thành lập nên văn phòng kiến trúc Lacaton & Vassal có trụ sở tại Paris, tập trung vào không gian rộng rãi và quyền tự do sử dụng thông qua các vật liệu kinh tế và sinh thái với hàng loạt các dự án nhà ở tư nhân và xã hội.

Dự án chuyển đổi 100 căn của Tour Bois le Prêtre (thực hiện cùng Frédéric Druot). Ảnh: Philippe Ruault

“Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal luôn tâm niệm kiến trúc tạo nên cộng đồng cho tất cả mọi người trong xã hội. […] Mục đích của họ là phục vụ cuộc sống con người thông qua công việc hàng ngày, thể hiện sức mạnh của sự khiêm tốn và nuôi dưỡng lời hồi đáp của kiến trúc cũ và mới, mở rộng lĩnh vực kiến trúc”, Chủ tịch Quỹ Hyatt, Tom Pritzker nhận định.

Cap Ferret House. Ảnh: Lacaton & Vassal

Tăng không gian sống mà không tốn kém, bộ đôi KTS lần đầu tiên tích hợp công nghệ nhà kính thông qua các khu vườn và ban công mùa đông. Ứng dụng ban đầu được lắp đặt tại Latapie House vào năm 1993 (Floirac, Pháp) trước khi phát triển lên quy mô lớn hơn, và chuyển đổi La Tour Bois le Prêtre vào năm 2011 (Paris, Pháp), một dự án nhà ở thành phố 17 tầng, 96 căn được xây dựng và đầu những năm 1960, cùng với Frédéric Druot.

Trường kiến ​​trúc quốc gia NantesẢnh: Philippe Ruault
53 căn hộ thấp tầng thuộc dự án nhà ở xã hội.Ảnh: Philippe Ruault

Cả hai phản đối kế hoạch phá bỏ nhà ở xã hội, loại bỏ mặt tiền bê tông ban đầu để chuyển đổi thành các ban công sinh học, giúp các căn hộ trở nên rộng hơn đồng thời tái tạo hình ảnh ấn tượng cho nhiều khu phức hợp nhà ở xã hội. Trên thực tế, năm 2017, họ đã chuyển đổi được hơn 530 căn hộ trong ba tòa nhà tại Grand Parc ở Bordeaux, Pháp với sự kết hợp cùng Christophe Hutin, Frédéric Druot, thiết kế từ trong ra ngoài để ưu tiên phúc lợi cho cư dân tòa nhà. Cuộc đại tu quy mô lớn này không phải di dời cư dân mà chi phí chỉ bằng 1/3 so với việc phá hủy và xây dựng lại toàn bộ.

Đồng quan điểm tối đa hóa không gian sử dụng, trong lần chuyển đổi gần nhất của Palais de Tokyo (Paris, Pháp 2012), Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal đã tăng diện tích bảo tàng hơn 20.000 mét vuông để đáp ứng nhu cầu mở rộng. Hay như một cơ sở đóng tàu thời hậu chiến đã trở thành phòng trưng bày và không gian văn phòng ở Dunkirk mà không cần phải phá dỡ.

“Chuyển đổi là cơ hội để làm nhiều hơn và làm tốt hơn những gì đã có. Phá dỡ đơn giản, nhưng đây chỉ là công việc ngắn hạn, gây lãng phí nhiều thứ, từ năng lượng, vật chất và lãng phí cả lịch sử. Hơn nữa, nó tác động tiêu cực lên xã hội. Đối với chúng tôi, đó (phá bỏ tòa nhà) là một hành động bạo lực”, Lacaton, nữ KTS người Pháp đầu tiên giành Giải thưởng Kiến trúc Pritzker chia sẻ quan điểm của mình.

FRAC Nord-Pas de Calais. Ảnh: Philippe Ruault

Hiện nay, Lacaton và Vassal vẫn đang tiếp tục theo đuổi nguyên tắc không phá bỏ khi thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi nhà ở của một bệnh viện cũ thành tòa nhà chung cư trung tầng 138 căn ở Paris, Pháp và một tòa nhà trung tầng 80 căn ở Anderlecht, Bỉ; chuyển đổi tòa nhà văn phòng ở Paris, Pháp; tòa nhà hỗn hợp cung cấp không gian khách sạn và thương mại ở Toulouse, Pháp và một tòa nhà trung tầng gồm 40 căn, nhà ở tư nhân ở Hamburg, Đức.

“Công việc của chúng tôi là giải quyết những ràng buộc và vấn đề cũng như tạo ra các mục đích sử dụng, cảm xúc và tình cảm. Sau khi hoàn thành, làm sao phải cảm nhận được sự nhẹ nhàng, đơn giản, khi tất cả mọi thứ trước đây quá phức tạp”, KTS Jean-Philippe Vassal cho biết.

Nhà hát đa năng. Ảnh: Philippe Ruault

Thông qua những giải pháp và cống hiến của Lacaton và Vassal, bộ đôi đã giành được nhiều giải thưởng lớn như BDA năm 2020; Giải thưởng Toàn cầu về Kiến trúc Bền vững, Cité de l’Architecture & du Patrimoine, 2018, cùng Druot; Huy chương Vàng Académie d’Architecture, 2016; Huân chương Heinrich Tessenow, 2016; Giải thưởng Rolf Schock, Nghệ thuật Thị giác, 2014 và đặc biệt Giải thưởng Liên minh Châu Âu về Kiến trúc Đương đại (2019) cùng với Văn phòng Kiến trúc Frédéric Druot và Văn phòng kiến trúc Christophe Hutin cho việc chuyển đổi 530 căn hộ tại Grand Parc, Bordeaux.

Mở đường cho việc ưu tiên sự phong phú của cuộc sống con người, Lacaton và Vassal là nguồn cảm hứng cho các thế hệ KTS về sau.“Thông qua ý tưởng, cách tiếp cận nghề nghiệp và kết quả là các tòa nhà sau chuyển đổi, họ đã đưa ra lời tuyên bố về kiến trúc phục hồi, đồng thời làm sống lại những hy vọng và ước mơ của chủ nghĩa hiện đại giúp cải thiện cuộc sống của con người”.

Một số dự án tiêu biểu của bộ đôi KTS Lacaton và Vassal:

Latapie House (Ảnh: Philippe Ruault)

Địa điểm Sáng tạo đương đại Palais de Tokyo (Ảnh: Philippe Ruault)

Nhà hát đa năng (Ảnh: Philippe Ruault)

Dự án chuyển đổi 530 căn nhà ở Tòa nhà G, H, I, Grand Parc thực hiện cùng Frédéric Druot (Ảnh: Philippe Ruault)

FRAC Nord-Pas de Calais (Ảnh: Philippe Ruault)

Theo Kienviet.net 





Các đối tác

Kết nối