Home Tin tức Các công trình thực tế
Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng: Trang sách lật mở tạo ra Kiến trúc chuyển động | JINA Architects

By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 24/4/2017

Tọa lạc trên đường Bạch Đằng – con đường đẹp nhất thành phố Đà Nẵng, thư viện Khoa học tổng hợp vừa mang ý nghĩa biểu tượng kiến trúc thành phố, vừa là một điểm đến cho cộng đồng.

Thông tin công trình

  • Tên công trình: Thư viện Tổng hợp thành phố Đà Nẵng;
  • Diện tích xây dựng: 7000m2;
  • Địa điểm: phường Hải Châu, TP Đà Nẵng;
  • Chủ đầu tư: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng;
  • Đơn vị tư vấn thiết kế  ý tưởng: JINA Architects;
  • Đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật thi công: Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng;
  • Năm hoàn thành: 2016.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Đà Nẵng đang tận dụng những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, phát triển thành một thành phố trẻ năng động

Khu nhà Thư viện Khoa học được xây dựng trên khu đất trước đây là Khu Trung tâm Văn hóa Pháp được xây dựng trước năm giải phóng nên đến nay đã xuống cấp, quy mô diện tích xây dựng nhỏ, các khu nhà và phòng đọc bị phân tán, không gian diện tích quá chật hẹp, không đủ diện tích triển khai các kho phòng phục vụ, tổ chức hoạt động, lưu trữ và bảo quản sách báo, tư liệu, không đáp ứng được nhu cầu lớn lao của nhân dân thành phố.

Tọa lạc trên đường Bạch Đằng – con đường đẹp nhất thành phố Đà Nẵng, thư viện Khoa học tổng hợp vừa mang ý nghĩa biểu tượng kiến trúc thành phố, vừa là một điểm đến cho cộng đồng

Nhằm đảm bảo điều kiện để Thư viện Khoa học Tổng hợp có thể tiếp tục hoạt động và đáp ứng được nhu cầu giải trí tinh thần ngày càng cao của nhân dân thành phố thì việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Thư viện là thật sự cần thiết và cấp bách. Thư viện sau khi được cải tạo, nâng sẽ thành một bộ phận của Thư viện Tổng hợp mới sau này; có chức năng là thư viện điện tử, dữ liệu; cần có cảnh quan thích hợp; là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội của thành phố.

Giải pháp tổ chức hình thức kiến trúc

 Ý tưởng thiết kế chính là “trang sách được lật ra tạo thành bước chuyển năng động trong đô thị” 

Hình thức biểu tượng này khi được mô tả trên không gian 3 chiều đã mang lại những lợi thế tích cực cho công trình.

Mặt đứng công trình được thiết kế theo hình thức hiện đại, thống nhất với mặt bằng, sử dụng các mảng tường lam che nắng kết hợp với các mảng kính lớn, tăng cường hiệu quả thẩm mỹ cho công trình, đồng nhất trong hình thức mặt đứng, tạo ra một tổng thể công trình chung thống nhất với nhau.

Với khí hậu đặc thù của khu vực miền Trung là nắng nóng và mưa nhiều, tường bao che hướng Tây chủ yếu sử dụng các mảng đặc, các tấm chắn nắng dọc theo hai hành lang bao bọc lấy công trình.

Hành lang ngoài này đóng vai trò như một lớp cách nhiệt, giảm ánh nắng chói chan chiếu trực tiếp vào các không gian phòng đọc, tạo môi trường ánh sáng phù hợp cho mắt người đọc và bảo quản các tài liệu lưu trữ được tốt hơn.

Ngoài ra với khí hậu và tầm nhìn thuận lợi từ sông Hàn, toàn bộ công trình mở ra về hướng Đông.

Công trình mang hình tượng rất đặc trưng, khẳng định được vị thế riêng nhưng vẫn hài hòa với cảnh quan kiến trúc chung quanh.

Khu vực công cộng và khu vực đọc sách được cách ly bằng những bức tường, và vách kính cách âm. Những vật liệu tự nhiên giảm thiểu tiếng ồn cũng  được sử dụng để đảm bảo mức ồn luôn trong phạm vi cho phép ở tất cả các khu vực trong thư viện.

Hình thức đơn giản của công trình giúp dễ dàng mở rộng trong tương lai. Khuôn viên bên ngoài được bố trí cảnh quan lồng ghép, ôm lấy công trình tạo ra các không gian mở phục vụ vui chơi, đọc sách ngoài trời thật sinh động. Đồng thời kết nối với các không gian công cộng xung quanh.

Theo Kienviet.net






Các đối tác

Kết nối