Home Hoạt động Thông tin chuyên môn
TS. KTS. TÔ KIÊN VÀ BÀI GIẢNG “KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG TRONG ĐÔ THỊ VỊ NHÂN SINH TẠI KHOA KIẾN TRÚC VÀ QUY HOẠCH - ĐẠI HỌC XÂY DỰNG
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 19/1/2018

Chiều ngày 12/12/2017, trong chuyến công tác Việt Nam, TS. KTS. Tô Kiên đã trình bày một bài giảng chủ đề “Không gian công cộng trong đô thị vị nhân sinh” cho khoảng 30 sinh viên Khoa Kiến trúc  và Quy hoạch. Bộ môn Kiến trúc Dân dụng cùng Bộ môn Quy hoạch Vùng và Đô thị đồng tổ chức sự kiện học thuật này. Đến dự còn có 15 giảng viên của năm Bộ môn trong Khoa: Kiến trúc Dân dụng, Quy hoạch Vùng và Đô thị, Kiến trúc Cảnh quan, Kiến trúc Công nghệ và Lý thuyết và Lịch sử Kiến trúc.

 

Thông báo hoạt động học thuật chuyên môn – Bài giảng của TS. KTS. Tô Kiên

 

TS. KTS. Tô Kiên hiện đang công tác tại tập đoàn Eight Japan Engineering Consultants (EJEC) tại Tokyo (Nhật Bản), từng theo học khóa 36 ngành Kiến trúc tại Đại học Xây dựng, sau khi tốt nghiệp đi du học ở Đức và Nhật Bản, có nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Xây Dựng (Việt Nam), ĐH Công nghệ Kyushu (Nhật Bản) và ĐH Công nghệ và Thiết kế (Singapore).

 

Không gian công cộng và đô thị đáng sống là hai trong số những lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của TS. KTS. Tô Kiên. Trong thời gian giảng dạy tại Singapore, TS. KTS. Tô Kiên đã tham gia nhiều dự án phục vụ cộng đồng, có một số dự án được tiến hành tại Việt Nam. Đây là chủ đề của bài thuyết trình. Mở đầu, diễn giả tóm lược bối cảnh các khía cạnh của khái niệm “đô thị vị nhân sinh”: mức độ đô thị hóa nhanh với các khu ở phi chính thức là những thách thức, một xã hội năng động và sáng tạo nhưng đã có dấu hiệu già hóa, đảm bảo tính đáng sống của thành phố dù cho mật độ cư trú cao, bảo tồn dựa trên quyền lợi của người dân và đảm bảo tính bền vững văn hóa, tạo cho cộng đồng ý thức tham gia tích cực vào các hoạt động mang tính xã hội và cuối cùng là sự mềm dẻo cũng như tính bền vững của đô thị về mặt xã hội, khi cộng đồng gắn kết và chung tay hành động vì sự thịnh vượng chung, không có mâu thuẫn về lợi ích.

 

Để có thể hiểu rõ và toàn diện khái niệm này, cũng như vận dụng thành công vào thực tế, cần có một số yếu tố như chủ đề bền vững cần tập trung vào khía cạnh văn hóa và xã hội, cách tiếp cận mang tính tham dự từ dưới lên trên (từ phía cộng đồng), các phương pháp định tính, ...

 

Là nơi tập trung đông người, với những không gian và hoạt động đáp ứng nhu cầu đa dạng không chỉ của cư dân mà còn cho cả khách tham quan du lịch, không gian công cộng đóng vai trò rất quan trọng trong đô thị và cũng có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển đô thị hướng tới tính bền vững về xã hội. Không gian công cộng, về lý thuyết, mở cho tất cả các đối tượng có nhu cầu, không có phân biệt. Đó mới là những không gian công cộng đúng nghĩa. Trong trường  hợp chỉ dành cho một nhóm đối tượng nào đó, chẳng hạn do yêu cầu của chủ đầu tư, thì không gian sẽ mang tính chất “giả công cộng”, và không được coi là không gian công cộng đầy đủ.

 

Các nội dung cốt lõi của không gian công cộng bao gồm: sự tiếp cận và tính liên kết, sự tiện nghi và hình ảnh, tính chất sử dụng và các hoạt động, và các thuộc tính xã hội. Mỗi yếu tố lại được chia nhỏ thành các đặc điểm cụ thể. Chẳng hạn như thuộc tính xã hội là tập hợp của tám đặc điểm sau: tính chào đón, tính tương tác, tính thân thiện, tính hợp tác, tính đa dạng, tính quản lý, tính khơi dậy niềm tự hào, tính xóm giềng gần gũi và tính hợp tác.

 

Các nhân tố tạo nên tính đáng sống của một đô thị, gồm sự phồn thịnh về kinh tế, môi trường trong lành, cơ hội giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người, sự ổn định của xã hội, các không gian rộng mở phục vụ tốt nhu cầu của cộng đồng, điều kiện nghỉ ngơi tiện nghi, tính tương tác và kết nối được khuyến khích, chất lượng thiết kế cao, … và cũng được biểu hiện rõ qua các không gian công cộng của đô thị đó.

 

TS. KTS. Tô Kiên giảng bài cho sinh viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch

 

Các ví dụ tốt về thiết kế không gian công cộng khắp thế giới, như Quảng trường Thời đại ở New York, khu vực Nhà hátOpera Sydney, dòng suối nhân tạo Cheonggycheon ở Seoul, bờ vịnh Marina ở Singapore, … cũng được lần lượt giới thiệu, bên cạnh những địa điểm ở trong nước như Đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn và Hồ Gươm – Quảng trường Lý Thái Tổ ở Hà Nội.

 

Một không gian công cộng có thể có nhiều dạng như tuyến, nút, cạnh, mảng rộng, … và có những yếu tố tạo thành không gian như công trình, tác phẩm nghệ thuật, không gian xanh, mặt nước và các hoạt động của con người. Những yếu tố nổi bật, chẳng hạn như một công trình cao tầng, một tượng đài, … đóng vai trò điểm nhấn và giúp nhận diện cũng như định hướng cho không gian đó. Thành phố Đà Nẵng với sông Hàn là trục trung tâm, đường bờ biển, các cây cầu và một số công viên, quảng trường và công trình xây mới trong một số năm qua được diễn giả lấy làm ví dụ minh họa cho các yếu tố tạo nên các không gian công cộng trong đô thị.

 

Tiếp cận từ dưới lên (bottom up) là một phương pháp khá phổ biến trên thế giới, được vận dụng trong quy hoạch và thiết kế đô thị để tạo nên các không gian có chất lượng. Phương pháp này khuyến khích người dân phát huy tiềm năng của cá nhân, đóng góp ý tưởng cũng như nguồn lực để cùng với các nhà quy hoạch và kiến trúc sư kiến tạo nên không gian cho chính họ sử dụng. Những ý tưởng này trong thực tế có thể rất thú vị và độc đáo, phong phú và phù hợp do người dân là đối tượng nắm rõ khu vực mình sinh sống hơn ai hết.

 

Trong việc thiết kế các không gian công cộng trong đô thị, để tăng cường tính hấp dẫn, bên cạnh các yếu tố cố định thì những yếu tố không cố định, tạm thời, có thể di chuyển, sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, … đóng vai trò khá quan trọng, khiến không gian luôn tươi mới và đó chính là yếu tố thu hút sự chú ý của công chúng, kéo họ đến trải nghiệm và cảm nhận không gian. Nếu được thay đổi thường xuyên theo chủ đề hoặc mang tính ngẫu hứng, bất ngờ, hiệu quả có thể còn lớn hơn, khiến một không gian dù đã quá quen thuộc cũng sẽ trở nên mới lạ. Các vật dụng mang tính trang trí đường phố có thể di chuyển, tháo lắp, … là chất liệu để sáng tác nên những không gian sinh động và hấp dẫn này. Một điểm mà diễn giả nhấn mạnh là tính hấp dẫn của không gian không phải ở quy mô, mà là cách tổ chức không gian ấy. Theo đó một không gian dù nhỏ song được tổ chức khéo thì vẫn có độ hấp dẫn không thua kém những không gian lớn.

 

Ở Việt Nam, trong những năm qua đã có một số hoạt động sáng tạo đáng chú ý như trường hợp của Zone 9 được giới trẻ và cộng đồng nghệ thuật Thủ đô biết đến rộng rãi. Các đường hoa, phố sách với các hoạt động phụ trợ như biểu diễn bên cạnh các hoạt động chính như trưng bày cũng là những điều tưởng chừng bình thường khá thú vị và đem lại những hiệu quả xã hội tích cực.

 

Nguyên tắc 4C (Connect/Kết nối – Community/Cộng đồng – Co-creation/Cùng sáng tạo – Continuity/Tiếp nối và Nhân rộng) đã được TS. KTS. Tô Kiên nêu bật như là cách thức thực hiện để đảm bảo kết quả khả quan của một chương trình. Phương châm “Thiết kế CÙNG cộng đồng” (Design WITH community) chuyển hóa thành “Thiết kế BỞI Cộng đồng” (Design BY Community) nếu điều kiện cho phép cần được ghi nhớ và vận dụng. Ý tưởng này được minh họa qua ví dụ cải tạo mặt đứng tuyến phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mà diễn giả từng tham gia trong một chương trình do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ những năm 2000, hay gần đây nhất là năm 2016 – 2017 là Làng Nghệ thuật Tam Thanh  ở thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Ngãi với những bức bích họa tuyệt đẹp trên tường nhà dân và các tác phẩm nghệ thuật sinh động, nhiều màu sắc được tạo nên từ các đồ vật cũ hay chất liệu tái chế sẵn có qua bàn tay khéo léo đặt ở những địa điểm công cộng khiến ngôi làng này trở thành một điểm đến mới trên bản đồ du lịch của tỉnh, đem lại những lợi ích kinh tế và giá trị xã hội không nhỏ cho người dân, chỉ với một ý tưởng ban đầu đơn giản. Những dự án kiểu này lại hay được kết hợp với chương trình đào tạo của Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore nơi TS. KTS. Tô Kiên từng công tác, sinh viên kiến trúc thực hiện và có sự tham gia, trao đổi, đóng góp ý kiến và chung tay đóng góp của cộng đồng địa phương. Trong một dự án khác ở Sài Gòn với sự tham gia của sinh viên Đại học Kiến trúc, cũng với cách làm tương tự, một sân chơi cho trẻ em ở một khu vực còn gặp nhiều khó khăn đã được tạo ra từ những nguyên vật liệu đơn giản, đem lại niềm vui cho các em.

 

Khoảng 30 phút cuối, TS. KTS. Tô Kiên chia sẻ những thuận lợi cũng như những khó khăn gặp phải của một dự án cộng đồng qua những dự án cụ thể đã thực hiện ở Singapore cũng như ở Việt Nam, và một số bí quyết tháo gỡ những khó khăn đó.

 

Phần trao đổi và chia sẻ cuối chương trình

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và sinh viên trong Khoa Kiến trúc và Quy hoạch

 

Với những ví dụ thực tế cụ thể và có tính chọn lọc cao, các khái niệm tưởng chừng rất hàn lâm về không gian đô thị, đô thị vị nhân sinh lại được diễn giải một cách sống động và dễ hiểu, nhất là đối với sinh viên. Bài thuyết trình của TS. KTS. Tô Kiên thật sự đã truyền cảm hứng cho cả các giảng viên tham dự. Khoa Kiến trúc và Quy hoạch cũng đã có lời mời TS. KTS. Tô Kiên trong những lần về Việt Nam công tác sau này sẽ lại có những bài giảng với những chủ đề mới cho sinh viên trong Khoa, và TS. KTS. Tô Kiên đã vui vẻ nhận lời.

 

Bài: TS. KTS. Nguyễn Quang Minh

Hình thông báo hoạt động: ThS. KTS. Phan Tiến Hậu

Ảnh: Câu lạc bộ Sinh viên Quy hoạch – Đại học Xây dựng





Các đối tác

Kết nối