Theo BBC, các kiến thợ thuộc loài kiến vàng "kết dính" các lá cây lại với nhau để làm tổ trên tán lá từ tơ của ấu trùng kiến tạo ra. Loài kiến này có tên khoa học Oecophylla smaragdina, thường có hai màu sắc cơ thể là vàng và xanh, được tìm thấy tại châu Á và châu Úc. Gió mạnh và lá khô là hai nguyên nhân khiến tổ của chúng bị hư hại. Ảnh: Mark W. Moffett/National Geographic
Ong Mason (tên khoa học Osmia avosetta) thường được tìm thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có cách làm tổ độc đáo đến ba lớp. Đầu tiên nó tạo lỗ có độ sâu khoảng vài cm dưới đất mùn xốp, sau đó bay đi thu thập những cánh hoa trong vườn về sắp xếp xung quanh lỗ đất thành lớp một, đất mùn xốp là lớp hai được kết dính với các cánh hoa và sau cùng đợi đất khô mới tiếp tục thu thập cánh hoa về làm lớp lót bên trong tạo thành cái tổ có hình dạng như chiếc bình tí hon.
Ong cái chỉ còn việc thực hiện nhiệm vụ là đẻ trứng vào đó. Cánh hoa khô không chỉ giúp duy trì độ ẩm cho ấu trùng phát triển mà còn bảo vệ trứng trong trường hợp bị lũ lụt, trong khi đó lớp lót bùn khô giúp bảo vệ trứng khỏi bị nghiền nát bởi kẻ săn mồi. Ảnh: AMNH/National Geographic
Khi trứng nở vào mùa xuân, hơn 300 con sâu bướm Malacosoma americanum (loài sâu tìm thấy tại khu vực Bắc Mỹ) bắt đầu xuất hiện và tiết ra màng tơ bao trùm lên các nhánh cây tạo ra hình dạng tổ phập phều giống như chiếc lều, còn được gọi là "lều lụa".
Khi đàn sâu tăng số lượng, cái lều cũng lớn theo, giúp điều hòa nhiệt độ và độ ẩm, đồng thời tạo thành chiếc tổ bảo vệ sự an toàn cho nó. Ảnh: Rupert Barrington/naturepl.com
Mối "nhà thờ" Nasutitermes triodiae ở Australia là kiến trúc sư côn trùng tài ba khi xây những tổ gò đất trộn bằng cát và đất sét có hình dạng to lớn như nhà thờ. Hàng triệu con mối có thể sinh sống chỉ trong một gò đất khổng lồ có thể nặng trên 10 tấn. Ảnh: blogspot.com
Kiến Acrobat (tên khoa học Crematogaster clariventris) thường làm tổ trên cành hoặc bám vào thân dưới cây ca cao tại khu vực châu Phi. Chiếc tổ có hình cầu với vật liệu chủ yếu là đất mùn được trộn lại tạo nên kích thước to như quả bóng tennis, có khi to như quả bóng đá, bên trong tổ có nhiều khoang nhỏ được liên kết thông thoáng với nhau. Ảnh: Alamy Stock
Loài ong bắp cày "bùn" Trypoxylon politum được tìm thấy ở Mỹ sử dụng bùn để làm tổ trên các vách đá, vách tường hoặc thành cầu. Tổ của nó có hình dạng ống như ống kẹo, con cái làm nhiệm vụ thu thập vật liệu bùn để làm tổ, trong khi con đực chỉ việc làm nhiệm vụ canh giữ tổ. Sau khi tổ hoàn thành, con cái đẻ trứng và còn đảm nhiệm việc săn nhện về để dành sau này cho ong non. Ảnh: Jungledragon.com
Loài ong bắp cày Deuteragenia ossarium ở Trung Quốc thiết kế tổ có nhiều khoang nhỏ được phân cách bởi các vách ngăn tường đất mỏng. Con cái đẻ một quả trứng vào mỗi khoang và săn nhện về để sẵn sau này cho ong non ăn. Lúc "vắng nhà", ong đặt xác nhện hoặc kiến trước tổ để đe dọa kẻ thù không được tới gần. Ảnh: BBC
Loài ong vò vẽ nâu Ropalidia revolutionalis thường được tìm thấy ở Australia, làm tổ bằng cách trộn vật liệu gỗ mục với tuyến nước bọt tạo thành nhiều khoang nhỏ nối đuôi dính liền nhau. Chúng tạo thêm một hàng tổ giống như thế và "treo" hai hàng tổ vào một nhánh cây. Ảnh: Blogspot.com
Sau giai đoạn trứng nở vào mùa xuân, nhộng (thuộc loài bọ Philaenus leucophthalmus ở châu Âu) bò lên nhành cỏ để làm tổ. Tổ của nó thật ra là phần nước bọt được tiết ra từ hậu môn của nó và kết dính thành mảng bọt để bảo vệ nó. Giai đoạn nhộng "biến hình" thành bọ là lúc đám bọt khô lại và nó rời tổ đi kiếm ăn. Ảnh: Alamy Stock
Loài ong cắt lá Megachile centuncularis phổ biến ở Anh thường chọn các lỗ rỗng của cây để làm tổ. Nó nổi tiếng với kỹ năng xén những khoảnh lá hình tròn hay hình bầu dục của lá hoa hồng về đan thành những tổ nhỏ trong hốc cây để sau này nuôi dưỡng ấu trùng ong trong đó.
Mỗi chiếc tổ lá được kết dính với nhau bằng tuyến nước bọt và quy trình này cứ như thế lặp lại cho đến khi các tổ lá nhỏ nối đuôi nhau thành hình dạng như điếu thuốc. Quá trình làm tổ hoàn thành mất khoảng 10 giờ với khoảng 21 chuyến bay đi cắt lá. Ảnh: itsnature.org
Rệp nước Limnephilus rhombicus được tìm thấy ở vùng nước tù đọng hay dòng chảy chậm đầy thực vật thủy sinh ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ấu trùng của loài này xây chiếc tổ đặc biệt để bảo vệ kẻ thù gồm vỏ ốc nhỏ, cọng cây khô và rễ cây thủy sinh. Khi thấy bất ổn, nó chỉ rụt đầu vào tổ và nằm im trong ngôi nhà di động. Ảnh: commanster.eu
Loài kiến Lasius flavus chọn những gò đất phủ đầy cỏ ở châu Âu để làm tổ và tạo đường hầm dưới bề mặt để đẻ ấu trùng. Những gò đất chọn làm tổ có đường kính 0,5 - 1 m. Ảnh: bwars.com
Huỳnh Phương - vnexpress.net