Home Góc sinh viên Chia sẻ kinh nghiệm
Xây dựng hệ thống tư liệu kiến trúc trong triển khai đồ án môn học
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 31/10/2017

Đồ án môn học trong đào tạo KTS có tầm quan trọng đặc biệt – Đó là những dạng bài tập thực hành đặc thù giúp sinh viên (SV) vận dụng những kiến thức đã được học trên lớp và tích lũy từ những nguồn khác nhau một cách tổng hợp và sáng tạo để giải quyết các vấn đề cụ thể, trong thiết kế các dạng công trình với những quy định và các điều kiện hoặc giả định cho trước. Xây dựng và khai thác hệ thống thông tin tư liệu chuyên ngành kiến trúc là yếu tố đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng đồ án SV. Bài viết đề xuất phương thức tổ chức và khai thác hệ thống thông tin tư liệu chuyên ngành của cơ sở đào tạo và của cá nhân SV, nhằm nâng cao chất lượng triển khai đồ án thiết kế kiến trúc.

Vai trò của hệ thống thông tin tư liệu chuyên ngành kiến trúc trong triển khai đồ án môn học

Theo các kết quả nghiên cứu lý luận, quá trình triển khai một đồ án thiết kế môn học nói chung bao gồm ba giai đoạn chính: 1/ Nghiên cứu nhiệm vụ thiết kế được giao và xây dựng phương án thiết kế đầu tiên, bao gồm quy hoạch công trình trên khu đất, sơ đồ mặt bằng các tầng, sơ đồ tổ chức không gian sơ bộ, mặt đứng chính, phác hoạ phối cảnh… đảm bảo được những yêu cầu cơ bản của nhiệm vụ thiết kế; 2/ Đánh giá ưu nhược điểm, tồn tại của phương án thiết kế đầu tiên, phát triển phương án theo từng mục tiêu giai đoạn. Bước này phát triển theo những vòng lặp, số lượng vòng lặp tuỳ thuộc vào năng lực phân tích, đánh giá, định hướng phát triển giải pháp thiết kế của SV, thời gian cho phép triển khai đồ án, hiệu quả từ sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn… Chất lượng phương án thiết kế sau mỗi vòng lặp, về cơ bản được nâng cao từng bước; 3/ Triển khai thiết kế chi tiết phương án chọn để chuẩn bị trình bày trên bản vẽ theo các yêu cầu nộp bài.

Để triển khai đồ án thiết kế kiến trúc, cũng như những người thiết kế nói chung, SV kiến trúc cần tham khảo các nguồn thông tin sau:
– Thông tin, kiến thức, dữ liệu từ các bài giảng lý thuyết trên lớp: Các môn nguyên lý thiết kế kiến trúc, cấu tạo và trang thiết bị, kết cấu công trình xây dựng, nguyên lý thiết kế quy hoạch đô thị… và các môn học liên quan khác;
– Những thông tin bổ trợ thu thập được từ tài liệu tham khảo, bao gồm sách tham khảo được các giảng viên đề xuất nghiên cứu phục vụ cho các giờ học tin chỉ trên lớp. Trong học chế tín chỉ, số lượng các sách tham khảo này có thểrất nhiều và đa dạng;
– Tài liệu tham khảo từ các nguồn khác, bao gồm: 1/ Sách nghiên cứu; 2/ Các tạp chí chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch, nội thất, mỹ thuật…; 3/ Tuyển tập các đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp… Các tài liệu này có thể ở dạng bản cứng (bản in giấy) hoặc bản điện tử;
– Cơ sở dữ liệu trực tuyến mà cơ sở đào tạo có thể cung cấp cho SV trên cơ sở hợp đồng mua quyền sử dụng;
– Thông tin từ thực tế khảo sát các công trình kiến trúc có liên quan tới các đồ án môn học do SV tự thu thập được…
– Các nguồn thông tin khác…

Chất lượng đồ án SV có liên quan chặt chẽ tới chất lượng và nguồn thông tin, tư liệu mà SV thu nạp được từ quá trình học tập trên lớp, tham khảo sách, tạp chí trong thư viện hay các nguồn khác, thu thập thông tin từ nghiên cứu khảo sát thực tiễn. Do vậy, việc xây dựng một hệ thống thông tin tư liệu chuyên ngành có chất lượng, được tổ chức khoa học, dễ khai thác… là yêu cầu quan trọng.

Tiến trình triển khai đồ án thiết kế môn học kiến trúc và nội dung tham khảo, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành

Hiện trạng triển khai và chất lượng đồ án môn học thiết kế kiến trúc

Từ thực tiễn giảng dạy đồ án nhiều năm, có thể thấy một số tồn tại liên quan tới những bất cập của hệ thống thông tin tư liệu chuyên ngành và phương thức khai thác như sau:
– SV chưa nắm được phương pháp luận thiết kế kiến trúc hoặc hiểu khá nông cạn về vấn đề này, thậm chí còn chưa nắm được tiến trình chuẩn để triển khai một đồ án bao gồm những bước gì và các yêu cầu và đặc trưng của từng bước. Như vậy, SV chưa nắm được vai trò, giá trị, chưa hiểu phương thức khai thác nguồn thông tin, tư liệu chuyên ngành áp dụng vào khâu nào của quá trình triển khai đồ án thiết kế cũng như mức độ áp dụng phù hợp.
– Thời gian triển khai một đồ án môn học nhìn chung tương đối ngắn, chưa đủ để SV có thể triển khai các bước thiết kế một cách bài bản. Nghiên cứu thống kê của khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng cho thấy, 52,2% SV cảm thấy thời gian 8 tuần cho đồ án DD3 là quá ngắn. Tỷ lệ này tăng lên đến 80,4% đối với đồ án DD7. 70,4% SV có nguyện vọng kéo dài gấp rưỡi hoặc gấp đôi thời lượng làm đồ án DD3. Tỷ lệ này ở đồ án DD7 ở mức tương đương (68,2%). 69,7% SV thuộc nhóm có nguyện vọng kéo dài thời gian làm đồ án DD3 và 99% SV thuộc nhóm có nguyện vọng kéo dài thời gian làm đồ án DD7 nêu lý do chính là muốn đi sâu tìm hiểu các vấn đề kỹ thuật công trình (kết cấu, điện, nước, thông gió, …). Điều này cũng tương tự như ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Thực tiễn giảng dạy đồ án môn học kiến trúc cho thấy với thời lượng quy định triển khai đồ án cũng như các điều kiện đi kèm, SV không có đủ thời gian để triển khai ở mức độ tương đối 4 bước trong quy trình thiết kế. Thời gian để tìm hiểu, hiệu chỉnh bổ sung, nhập tâm được nhiệm vụ thiết kế đã chiếm hơn một nửa thời lượng. Do vậy, thiếu thời gian phát triển và hoàn thiện ý tưởng chủ đạo thiếu, thời gian triển khai kỹ thuật hầu như không có. Do vậy, các đồ án kết thúc phần lớn ở mức độ sơ sài, chất lượng chuyên môn thấp.
– Chất lượng tuyển sinh đầu vào không đồng đều. Một phần nguyên nhân có thể do số lượng các trường có đào tạo ngành kiến trúc ở Việt Nam hiện nay khá nhiều và các trường đều có nhu cầu tuyển đủ số lượng SV hàng năm. Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng bình quân SV đầu vào ngành kiến trúc thấp hơn trước. Trong bối cảnh đó, hệ thống thông tin, tư liệu chuyên ngành trợ giúp cho SV càng cần thiết;
– Hệ thống xưởng học thiết kế, không gian làm việc cho từng SV, bàn ghế đồ dùng học tập, điều kiện tiện nghi… nhìn chung còn thiếu…
– Những tác động từ kinh tế – xã hội nói chung làm cho SV chưa thực sự cố gắng, chưa yêu nghề…
– Năng lực và ý thức trách nhiệm của giảng viên hướng dẫn không đồng đều, có những trường hợp chưa đạt chuẩn… Do vậy, SV cần tự lực cố gắng để có thể bù đắp lại.

Từ hiện trạng đào tạo ngành kiến trúc, có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và năng lực của SV về phương pháp luận đào tạo chuyên ngành kiến trúc, vai trò của hệ thống thông tin, dữ liệu chuyên ngành và phương pháp sử dụng, khai thác hệ thống này.

Sơ đồ quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu có thể nghiên cứu ứng dụng phục vụ đào tạo chuyên ngành kiến trúc

Xây dựng và khai thác hệ thống thông tin, tư liệu chuyên ngành kiến trúc phục vụ triển khai đồ án môn học

1. Những cơ hội và thách thức
Trước kia, khi các điều kiện về kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, trang thiết bị còn hạn chế, việc tập hợp, sắp xếp và lưu trữ thông tin và tư liệu để triển khai đồ án của SV kiến trúc còn thô sơ. Điển hình là SV, KTS, nhà thiết kế phải ghi chép, sao chép thủ công các tư liệu trên giấy, giấy can, bản sao chụp… và lưu trữ thô sơ. Nguồn tư liệu đầu vào và lượng thông tin cũng khá ít ỏi và thiếu cập nhật. Khả năng khai thác cũng hạn chế nhưng bù lại, chất lượng SV đầu vào cao, giảng viên tâm huyết và năng lực, chương trình học tập không quá tải và yếu tố quan trọng là SV yêu nghề và tâm huyết với công việc sáng tạo. Lượng SV cũng không quá nhiều. Các yếu tố đó kết hợp, bổ trợ cho nhau và các SV tốt nghiệp phần lớn đều đáp ứng được các yêu cầu hành nghề. Minh chứng là thành quả của các KTS các thế hệ đầu do Trường Đại học Kiến trúc đào tạo nên.

Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, trang thiết bị xử lý, lưu trữ thông tin dữ liệu… nhất là sự phát triển của internet toàn cầu, việc tổ chức xây dựng và khai thác thông tin dữ liệu đã có rất nhiều thay đổi. Khả năng tiếp cận thông tin được tăng lên nhiều.
– Các nguồn thông tin chuyên ngành truyền thống là sách tham khảo, tạp chí, tuyển tập đồ án, phương án, công trình kiến trúc… đã được bổ sung bằng các thông tin đa phương tiện, trực tuyến với khối lượng rất lớn.
– Sự phát triển của các hệ thống phần mềm trợ giúp tập hợp, xử lý và lưu trữ thông tin cũng như các thiết bị phần cứng có dung lượng lưu trữ ngày càng lớn với giá thành ngày càng hạ.
– Mạng internet, hệ thống wifi, 3g, 4g… khiến cho SV có thể truy cập thông tin, lưu trữ hình ảnh, dữ liệu ở bất cứ đâu. Điều đó khiến cho môi trường và không gian là việc đã được mở rộng, thời gian làm việc cũng linh hoạt trong cả ngày đêm. Chỗ làm việc, học tập, nghiên cứu đã xâm nhập cả vào phòng ngủ, giường ngủ suốt 24/24 giờ.

2. Xây dựng hệ thống thông tin, tư liệu chuyên ngành

“Tất cả các giải pháp đề xuất trên chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu được triển khai đồng bộ với những biện pháp nâng cao chất lượng học tập khác.”

Để xây dựng hệ thống thông tin, tư liệu chuyên ngành phục vụ đào tạo kiến trúc sử dụng chung trong toàn cơ sở đào tạo, những hướng giải pháp sau có thể xem xét:
– Nâng cao chất lượng lựa chọn đầu sách nhập và biên mục: Thư viện trong trường đại học là nguồn cung cấp thông tin chủ đạo cho SV. Hiện nay, số lượng sách chuyên ngành và tạp chí được nhập về đã tăng nhiều. Các ấn phẩm đẹp và cập nhật. Tuy vậy, trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí thì việc lựa chọn đầu sách, đầu tạp chí cần phải rất cân nhắc. Thực tiễn cho thấy việc lựa chọn ở các khoa đã có những chú ý nhất định nhưng mới ở mức độ sơ bộ, chỉ dựa trên sự hình dung, phán đoán về nội dung sách từ danh mục tên sách. Có những cuốn sách khi nhập về mới thấy ít có giá trị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu. Công tác xử lý, biên mục, giới thiệu sách nhập về thường chậm khiến cho các tài liệu này có độ trễ lớn về thời gian khi đến tay người sử dụng. Bản thân những phần giới thiệu, biên mục sách này cũng chưa bao quát, chưa sâu về chuyên môn. Do vậy, cần nâng cấp công tác lựa chọn sách, biên mục với việc nâng cao trách nhiệm cán bộ, nâng cao năng lực của thủ thư về nắm bắt nội dung và yêu cầu các chuyên ngành đào tạo của nhà trường. Công tác biên mục chuyên ngành kiến trúc có thể kết hợp hoặc hợp đồng với giảng viên, nghiên cứu viên chuyên ngành quy hoạch – kiến trúc để nắm bắt và giới thiệu sâu hơn về nội dung giúp cho người đọc nắm bắt thông tin nhanh hơn.
– Xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin, tư liệu trực tuyến: Liên hiệp thư viện các trường đại học tổ chức liên kết với các thư viện nước ngoài để mua quyền truy cập và khai thác các hệ thống cơ sở dữ liệu. Để giảm giá thành thì giải pháp một số thư viện trường đại học kết hợp cùng mua một số cơ sở dữ liệu là hợp lý. Do vậy, thư viện của trường cần tích cực hợp tác, tìm kiếm, cân nhắc, lựa chọn các đối tác cũng như các cơ sở dữ liệu để đầu tư. Hiện tại, Câu lạc bộ các trường đại học kỹ thuật Việt Nam với 24 trường đại học kỹ thuật lớn nhất của Việt Nam do trường Đại học Bách khoa Hà Nội là Chủ tịch đã tổ chức cho các trường thành viên đăng ký và chia sẻ khai thác một số cơ sở dữ liệu nước ngoài về kiến trúc – xây dựng. Thư viện cần xây dựng mô hình tổ chức, phân quyền truy cập và khai thác cho giảng viên và SV. Nhà trường cần cân nhắc đầu tư cho hệ thống này.
– Xây dựng, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu nội sinh của nhà trường. Hệ thống này bao gồm các kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành, luận văn, luận án, các đồ án tốt nghiệp và đồ án môn học của trường. Để xây dựng hệ thống cần chú trọng vấn đề tập hợp, lựa chọn tài liệu, lựa chọn công nghệ và chuẩn dữ liệu số hóa, đầu tư trang thiết bị, tổ chức nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất. Đây là vấn đề lớn nên phải được xây dựng thành các đề án phát triển và có cán bộ chuyên trách đủ năng lực kết hợp giữa khoa quy hoạch, kiến trúc và thư viện đảm nhiệm. Hệ thống cơ sở dữ liệu nội sinh này cũng là sản phẩm để liên kết chia sẻ giữa các trường đại học có cùng chuyên ngành đào tạo. Do vậy, cấu trúc và chuẩn thông tin, dữ liệu cần phải được thống nhất hóa.
– Tổ chức giới thiệu, đào tạo truy cập, sử dụng, khai thác các nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên sâu cho SV và các đối tượng quan tâm. Hiện tại, nói chung, thư viện mới chỉ dừng ở mức giới thiệu những thông tin chung, các quy định về sử dụng thư viện, mượn sách, tên, địa chỉ cơ sở dữ liệu… cho người đọc thông thường. Các thư viện cần tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu về phương thức tìm tài liệu, phương thức phân tích thông tin, tổ chức hệ thống thông tin tư liệu cá nhân theo từng mục tiêu, phương thức lưu trữ và khai thác.

Để xây dựng và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cá nhân (SV) chuyên ngành kiến trúc, các hướng giải pháp sau có thể nghiên cứu áp dụng:
– Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đối với việc học tập đồ án thiết kế kiến trúc và thực tiễn hành nghề sau này để lập kế hoạch dài hạn xây dựng hệ thống này. Đồng thời tìm hiểu về lý thuyết và thực tiễn mô hình, phương thức, quy trình xây dựng hệ thống.
– Lập sơ đồ khung sơ bộ cho hệ thống. Sơ đồ khung phân loại này có thể tổ chức theo một số phương thức khác nhau, như theo dạng loại công trình kiến trúc, theo từng khía cạnh của công trình (kiến tạo, hệ kết cấu, phong cách, quy mô, vật liệu xây dựng và hoàn thiện, vùng địa lý khí hậu, giải pháp vi khí hậu, sử dụng năng lượng và tài nguyên, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững…), theo chuyên ngành (nghiên cứu lý luận chung, lịch sử kiến trúc, cải tạo phục hồi công trình, bảo tồn tôn tạo công trình, … Việc phân loại thông tin dữ liệu như vậy mang tính chất tương đối vì một đối tượng thông tin có thể xếp ở một số vị trí khác nhau. Do vậy, việc lập khung phân loại có thể dựa trên các cấp tiêu chí (cấp 1- tiêu chí chủ đạo, cấp 2- tiêu chí bổ trợ…)
– Xác định sơ bộ và tập hợp thông tin, dữ liệu đầu vào: Thông tin từ tài liệu, sách, tạp chí, luận văn, luận án, đồ án lưu trữ hiện hữu tại thư viện của trường, văn phòng khoa, hiệu sách… dưới dạng bản in; Thông tin từ các cơ sở dữ liệu số hoá có thể truy cập trên mạng, thông tin lưu trữ dưới dạng đĩa CD, DWD, ổ cứng…; Thông tin phải thu thập tại hiện trường (công trình thực tế)…
– Xử lý thông tin, các file văn bản, file ảnh, file âm thanh. Cụ thể là số hoá các tài liệu giấy, sửa chữa, phân nhóm các tài liệu văn bản và ảnh, file âm thanh. Về bản chất, sản phẩm hướng tới của hệ thống thông tin dữ liệu là tài liệu số hoá và lưu trữ, khai thác trên mạng, trên máy tính…
– Xây dựng và thực hiện kế hoạch bổ sung, cập nhật, hiệu chỉnh hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của cá nhân.
– Hợp tác, liên kết, phân công trách nhiệm từng phần, chia sẻ, trao đổi cơ sở dữ liệu cá nhân giữa các SV trong nhóm, trong xưởng, trong trường…

“Chất lượng của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cá nhân SV phụ thuộc vào nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống”

Kết luận

Việc xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống thông tin, tư liệu chuyên ngành là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng triển khai đồ án SV bởi tác phẩm kiến trúc luôn là thành quả từ sự tổng hợp và phát huy sáng tạo các thông tin, kiến thức, thành tựu, ý tưởng… ở mức độ cao. Hệ thống này bao gồm hai cấp độ chính, đó là cấp độ cơ sở đào tạo (trung tâm thông tin thư viện của cơ sở đào tạo) và cấp độ cá nhân (của từng SV).

Chất lượng của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ đào tạo quy hoạch – kiến trúc của cơ sở đào tạo phụ thuộc vào mức độ đầu tư và phương thức lựa chọn để nhập tài liệu, hợp đồng liên kết sử dụng những cơ sở dữ liệu trực tuyến, phương thức số hoá và tổ chức nguồn tài liệu nội sinh, phương thức khai thác sản phẩm thông tin.

Chất lượng của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cá nhân SV phụ thuộc vào nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống; năng lực nhận thức khoa học để tổ chức, sắp xếp, tập hợp thông tin, dữ liệu; khả năng xử lý nguồn tài liệu thô thành thông tin số hoá để sử dụng trên máy tính; Để xây dựng và sử dụng tốt hệ thống thông tin tư liệu cá nhân chuyên ngành kiến trúc thì năng lực ngoại ngữ, tin học là chìa khoá để tìm hiểu, tổ chức, sắp xếp và khai thác các thông tin. Do vậy, Nhà trường cần xem xét, hợp lý hoá thời lượng, nâng cao chất lượng đào tạo các môn học này kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác.

Tất cả các giải pháp đề xuất trên chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu được triển khai đồng bộ với những biện pháp nâng cao chất lượng học tập khác. Các yếu tố bản thể của SV như kiến thức nền, năng lực cá nhân nắm bắt các kiến thức mới, năng lực sáng tạo linh hoạt, lòng yêu nghề, ý chí phấn đấu vượt lên, ý thức trách nhiệm xã hội… luôn luôn là cơ sở và điều kiện tiên quyết cho mọi thành quả của nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành kiến trúc.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài nguyên Môi trường (2014), Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT Quy trình và định mức kinh tế – kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.
2. Vũ An Khánh (2011), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học hỗ trợ SV nâng cao năng lực triển khai đồ án kiến trúc, Tạp chí Khoa học Kiến trúc – Xây dựng, 6.2011. 3. Vũ An Khánh (2013), Phương pháp luận thiết kế kiến trúc – cơ sở để phát triển tư duy sáng tạo trong đồ án của SV, Tạp chí Khoa học Kiến trúc – Xây dựng, 12.2013. 4. Stephan Popov (1983), Metodica na Architecturnoto Proectirane, NXB Tekhnica, Sofia. 5. William P. Spence (1999), Architecture, Design – Engineering – Drawing, McGraw-Hill.

TS.KTS Vũ An Khánh
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 9/2017)





Các đối tác

Kết nối