Home Góc sinh viên Chia sẻ kinh nghiệm
Từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc: Những sơ phác của KTS Renzo Piano
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 7/2/2018

Renzo Piano, một cây đại thụ trong kiến trúc hiện đại thế giới, sinh năm 1937 tại Italia, tốt nghiệp KTS tại Đại học Bách khoa Milan. Ông đã được nhiều giải thưởng quốc tế, nhiều danh hiệu và Huân chương cao quý của nhiều quốc gia và được tặng giải Pritzker năm 1998.

Renzo Piano bắt đầu nổi tiếng thế giới từ Giải thưởng Cuộc thi thiết kế Trung tâm văn hóa Pompidon (1977 – Paris) cùng với KTS Richard Rogers.Từ đấy, danh sách những kiệt tác của ông xuất hiện trên nhiều quốc gia. Tìm hiểu tư tưởng sáng tác của ông là mối quan tâm của giới KTS thế giới, nhất là những KTS trẻ. Những sơ phác của ông về những công trình cho ta nhiều bài học bổ ích.

Hình 1,2

Trung tâm văn hóa Pompidon của Renzo Piano và Richard Rogers đã đưa kiến trúc hiện đại thế giới tiến lên một bước với những điều mới lạ về nghệ thuật kiến trúc, về hệ thống kết cấu, về kỹ thuật xây dựng, về quan điểm thẩm mỹ mới… Lần đầu tiên người ta thấy một công trình văn hóa có hình thức giống một nhà máy hóa chất đặt ngay giữa thủ đô Paris với những đường ống chằng chịt; một công trình như đang xây dựng dở dang với hệ thống dàn giáo thép ngang, dọc, chéo trước mặt nhà (đó là hệ thống kết cấu đã được đưa ra ngoài mặt nhà để ở bên trong có không gian rộng, không vướng cột). Như vậy, hệ thống kỹ thuật xây dựng lắp ghép rất mới: Về thẩm mỹ thì lần đầu tiên người ta thấy một thang cuốn chạy chéo trước mặt công trình từ trái sang phải, với một lồng kính trong suốt, có thể thấy dòng khách tham quan với quần áo đầy màu sắc di chuyển trong thang như thể một “dòng máu” lưu thông trên “cơ thể” công trình – Ngôi nhà đang sống, đang hoạt động, không hề tĩnh lặng như những công trình kiến trúc khác ở xung quanh. Trung tâm văn hóa vẫn có dạng chung là một khối chữ nhật vuông vắn theo thông lệ của chủ nghĩa công năng nhưng đã được thực hiện với công nghệ cao đột xuất trong thời điểm đó, do đó người ta bảo rằng: Trung tâm văn hóa Georges Pompidoulà đứa con cuối cùng của chủ nghĩa công năng và cũng là đứa con đầu tiên của High – tech (công nghệ cao).

Hình số 1 là sơ phác mặt đứng công trình, ở đây ta nhận thấy trước hết số gian (bước cột) và số tầng là đúng với hiện thực sau này, số lượng ô chéo chữ thập cũng chính xác. Đặc điểm quan trọng nhất trong mặt đứng là thang cuốn chéo góc từ trái sang phải, đây là “linh hồn” của công trình, thang cuốn chuyển động, dòng người luôn luân chuyển. Hình số 2 là thực tế đã xây dựng.

Hình 3,4

Hình số 3 là sơ phác mặt cắt công trình và Hình số 4 là sơ phác phối cảnh mặt đứng công trình. Những sơ phác của Renzo Piano đã đưa ra chính xác những tư tưởng sáng tạo của ông về cấu trúc và hình ảnh phối cảnh của công trình sau này. Những sơ phác này thường có ghi sơ bộ kích thước chính, nhiều ghi chú nói lên ý đồ của tác giả và ông có thói quen ký tên vắn tắt vào bản sơ phác.

Năm 1982 – 1984, Renzo Piano làm Nhà triển lãm di động IBM Italia. Nhà triển lãm như một con sâu dài 48m, rộng 12m, cao 6m, trong có các không gian trưng bày, không gian trình diễn nghệ thuật, không gian vui chơi nhẹ cùng đầy đủ các dịch vụ cần thiết (Hình 5, 6, 7, 8). Trong 3 năm “con sâu triển lãm” đã “bò” đến 20 thành phố của các nước châu Âu.Ở đây Renzo Piano đã học tập ở thiên nhiên để tạo nên công trình này với tính chất thích dụng và cũng đầy nghệ thuật.

Nhà triển lãm di động IBM Italia

Để kỷ niệm 500 năm ngày Christopher Colombus khám phá ra châu Mỹ, một triển lãm quốc tế đã được tổ chức năm 1992 tại Genova (Italia). Renzo Piano đã chuyển các bến tàu cũ thành cửa hàng, nhà hàng, bảo tàng, thành một điểm du lịch lớn thu hút rất nhiều du khách. Ông sử dụng sao chép kết cấu cần cẩu, dây treo của các tàu biển, gợi nhắc người xem nhớ đến các cẩu tải trên sàn tàu chở hàng trong quá khứ. Một mảng mái lều bao khắp khu vực cầu cảng đã làm hồi sinh khu cầu cảng cũ vốn đã bị bom trong chiến tranh II với các không gian giải trí vui chơi, hội họp, triển lãm, hòa nhạc, sân khấu và cả không gian trượt băng (Hình 9, 10).

Hình 9,10

Năm 1988 – 1994, Renzo Piano thiết kế Cảng hàng không Kansai trên một hòn đảo nhân tạo của Nhật Bản ở vịnh Osaka. Một nét vẽ tài hoa đã tạo nên bộ mái đồ sộ cho ga hàng không với hệ dàn thép kiên cố chịu được các trận động đất mạnh ở khu vực này (Hình 11,12).

Hình 11,12

Năm 1998, ông thực hiện Trung tâm văn hóa Jean-Marie-Tjibaou xây dựng tại Nouméa, New Caledonia. Đây là một kiệt tác, là một Trung tâm văn hóa có hình thức kỳ lạ chưa từng có, rất hoành tráng nhưng cũng rất thơ mộng (Hình 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21).

Đảo quốc Tân Caledoni ở Nam Thái Bình Dương vốn là thuộc địa của Pháp. Trong xu thế toàn cầu hóa, các nước thuộc địa nhỏ và nghèo mong muốn giữ được bản sắc dân tộc, cho nên sau khi được tách khỏi Pháp họ mong muốn Trung tâm văn hóa này mang màu sắc của họ. Renzo Piano đã sử dụng ngôi nhà truyền thống, bản sắc của thổ dân Kanak, những ngôi nhà lều kiểu cánh buồm tròn cao mọc hai bên đường, tụ lại thành một xóm trên một bán đảo nhỏ cách thủ đô Nouméa của Tân Caledonia 10km về phía Tây Bắc với tổng diện tích 7.650m2. Các ngôi nhà lều này được nối với nhau bằng hànhlang mái lợp kính đục tạo nên hình ảnh đường làng truyền thống là không gian giao lưu gặp gỡ quen thuộc của người Kanak.

Hình 13,14,15,16

Hình 13 là từ biển nhìn vào, hình 14 mô tả vị trí 10 công trình bằng gỗ có mặt bằng hình tròn to, nhỏ khác nhau, bố trí theo một đường hình cung hướng ra biển. Hình 15 diễn đạt bằng nét sơ phác hướng của 10 công trình nhìn ra một điểm ở ngoài biển, hình 16 là sơ phác mặt cắt một công trình. Trung tâm văn hóa này đã từ bỏ những hình thức thông thường ở châu Âu mà lấy một hình thức nhà như những cánh buồm bằng gỗ cao vút lên trời.Mười “cánh buồm” này ẩn hiện trong môi trường tự nhiên trên đảo. Mười khối nhà chia làm 3 nhóm bao gồm sảnh đón tiếp, các phòng triển lãm, phòng chiếu phim, phòng dành cho các lớp học về văn hóa bản địa, các quán giải khát… Các “cánh buồm” này được cấu tạo rất chắc chắn để có thể chịu đựng được những cơn bão có sức gió trên 240km/h.

Hình 17,18

Hình 17 với sơ phác mặt cắt một cánh buồm kỹ hơn với lưng quay ra hướng gió, với mặt trời chiếu vào mái, với chi tiết cấu tạo của các thanh gỗ ghép dựng đứng. Ở đây, ta thấy trong sơ phác có cả dự kiến kích thước khoảng cách các thanh gỗ đứng, kích thước tầng hầm và nhiều ghi chú khác.Cuối cùng có cả chữ ký của tác giả. Hình 18 là ảnh chụp lưng của các “cánh buồm” nhà lều với một số tượng gỗ của dân bản xứ trong vườn. Hình 19 là sơ phác mối quan hệ giữa hệ thống công trình với biển ở bên trái (tức là sau lung công trình) và bên phải là cây cối. Hình 20 là sơ phác một cụm 3 công trình “cánh buồm” và Hình 21 là ảnh toàn bộ Trung tâm văn hóa Tjibaou nhìn từ biển vào.

Hình 19,20,21

Những sơ phác của Renzo Piano về Trung tâm văn hóa này cho ta thấy ông đã dứt bỏ mọi hình khối quen thuộc của kiến trúc phương Tây, tìm hình thức mới mẻ phù hợp với nơi chốn có rừng, có biển, xây dựng bằng vật liệu tại chỗ là gỗ với một quy hoạch trải dài trên một đường cong nhẹ.

Năm 2000, The Shard, tòa nhà cao nhất Tây Âu, một biểu tượng của thành phố London hiện đại đã hoàn thành. Tòa tháp này cao 310m. Renzo Piano nói ý định của ông là biến tòa nhà thành “tấm gương của London” cho nên ông đã sử dụng 11.000 tấm kính để tạo nên vẻ rực rỡ lung linh phản chiếu mọi tia sáng mặt trời. Hiện nay, The Shard được sử dụng như một tổ hợp văn phòng, giải trí, triển lãm. Từ sơ phác ban đầu (hình 22) với dự kiến phân đoạn trên tháp, đến sơ phác ở hình 23 với hướng đi của mặt trời, cuối cùng là một sơ phác mặt cắt (hình 24) có phân đoạn hệ thống thang máy: 3 khối thang máy lên đến nửa chiều cao tháp rồi tiếp tục 3 khối thang máy khác đi lên các tầng ở ba độ cao khác nhau. Tầng trệt, tầng hầm cũng được vẽ ra với những ghi chú cùng chữ ký của tác giả. Hình 25 là ảnh công trình The Shard, một biểu tượng mới của thủ đô London, Vương quốc Anh.

Hình 22,23,24,25

Trong thời gian này 1997 – 2000, Renzo Piano làm một tháp khác ở Rotterdam, Hà Lan. Đó là Tháp truyền thông KPN.Bản sơ phác của ông thật là đẹp, một khối nghiêng và hai khối thẳng với hai tầng bệ, ngay cả một trụ chống cho khối nghiêng cũng được thực hiện một cách chính xác như trong sơ phác (hình 25 và 26).

Hình 26

Renzo Piano đã thiết kế Nhà hát Auditorium ở Roma năm 1994 và năm 2002 nhà hát đã hoàn thành. Tổ hợp gồm 3 công trình như 3 con bọ cánh cứng hướng vào một sân khấu ngoài trời hai tầng rất hoành tráng. Ba nhà hát này, lớn nhất 2.800 ghế, cái nhỡ 1.200 ghế, cái nhỏ nhất 700 ghế. Mấy nét sơ phác của ông xác định các công trình nằm trên mặt đất quanh một quảng trường ở sâu dưới mặt đất, đây chính là sân khấu ngoài trời hoành tráng kiểu Hy Lạp ngày xưa (hình 27 và 28).

Hình 27,28

Năm 2000 – 2001 ông thiết kế và xây dựng Tòa nhà sinh quyển ở Genova Porto Antico, quê hương ông tại Italia. Đó là một quả cầu bằng thủy tinh nằm trên một sàn bê tông cốt thép, giữa có một trụ cắm xuống đáy hồ. Quả cầu có hệ thống khung thép, có một cầu nối với bờ hồ. Bản vẽ sơ phác của ông rất đơn giản nhưng nêu được toàn bộ tư tưởng sáng tác của ông, thậm chí có dự kiến cả kích thước quả cầu, độ sâu chôn cọc và cuối cùng vẫn có chữ ký của tác giả ở bên phải hình vẽ (hình 29, 30).

Hình 29,30

Năm 2003 ông thiết kế ở L’AQUILA, Italia một thính phòng gọi là Flat-Pack Auditorium.Quần thể này gồm vài hạng mục công trình hình khối hộp. Thính phòng, công trình chính, là một hình lập phương đặt nghiêng, 8 hàng ghế khán đài đặt theo một mặt nghiêng của khối lập phương. Các sơ phác của ông ghi khá đủ những ý kiến dự định về công trình, có cả kích thước dự kiến, vỏ hai lớp của thính phòng, đèn chiếu sáng vào khu vực trung tâm thính phòng và cuối cùng không quên ký tên (hình 31, 32, 33)

Hình 31,32,33

Năm 2012, ông được mời làm Bảo tàng Astrup Fearnley Museum ở Oslo, Na Uy. Đây là bảo tàng tranh của họa sĩ biếm họa Na Uy. Các sơ phác của ông xác định nét chủ đạo là hệ thống hai mái cong lớn bằng bê tông cốt thép tạo nên một công trình kiến trúc mềm mại trữ tình (hình 34, 35). Trung tâm bố cục ở đây là một chấm tròn màu đỏ ở giữa nét sơ phác.

Hình 34,35

Tháng 9/2012, ông thiết kế khu Chung cư Saint Giles ở London (Anh quốc). Khu này toàn là nhà hình hộp rất bình thường nhưng cái khác thường ở đây là các mặt nhà là những tấm tường màu sắc khác nhau được ốp vào tạo nên một quần thể sinh động. Hình sơ phác màu của ông với những ghi chú về khoảng cách các bức tường mặt đứng và cũng không quên một chữ ký (hình 36, 37).

Hình 36.37

Năm 2013, bản sơ phác Bảo tàng khoa học MUSE ở Triento, Italia cho ta thấy một dãy mái tạo thành một chuỗi nhấp nhô hài hòa với địa hình đồi núi xung quanh.Trung tâm của bố cục được ông vẽ bằng một xoáy ốc theo đường lên (hình 38, 39).

Hình 38,39

Tháng 7/2013, Renzo Piano làm một Ngôi nhà cực nhỏ đủ tiện nghi có thể đặt trên nhiều miếng đất có địa hình khác nhau. Bản vẽ sơ phác của ông tuy nguệch ngoạc nhưng cũng khá kỹ như mái lợp kính độ dốc 48o, vệ sinh ngoài nhà… (hình 40, 41).

Hình 40,41

Lâu đài công lý xây dựng ở Paris năm 2017 là một ngôi nhà nhiều tầng chia thành 4 khối dật cấp được ông sơ phác rất đẹp và rất lãng mạn, khối nào cũng có hệ thống thang máy (hình 42, 43).

Hình 42,43

Renzo Piano xây dựng một Bảo tàng kỳ lạ ở Hà Lan dựa theo truyện khoa học viễn tưởng của Jules Verne “Hai vạn dặm dưới biển”. Ông đã thiết kế một bảo tàng như một chiếc tàu thủy đắm còn phần đuôi tồn tại trên mặt nước.Phần đuôi này nằm xiên như một khán đài cho khách tham quan ngồi xem biểu diễn nghệ thuật. Nét phác họa tài tình của Renzo Piano đã được hiện thực hóa tạo nên một điểm tham quan hấp dẫn cho du khách từ rất xa đã trông thấy chiếc tàu thủy đắm này. (hình 44, 45,46)

Hình 44,45

Qua những sơ phác của Renzo Piano, chúng ta rút ra một số nhận xét để hiểu cách làm việc của ông, những suy nghĩ của ông về đề tài khi sáng tác:

  • Thường có ghi chú kích thước khái quát;
  • Chú thích khá nhiều diễn đạt ý tưởng của tác giả;
  • Thường vẽ hình người vào sơ phác để thấy tỉ xích công trình;
  • Có mặt trời để xác định hướng nắng;
  • Có mũi tên ghi hướng gió;
  • Trung tâm bố cục công trình thường vẽ một xoáy ốc;
  • Có khi dùng cả bút nét to và bút nét nhỏ vào hình vẽ;
  • Có thể dùng màu hoặc điểm màu cho rõ ý định;
  • Thường hay có chữ ký vắn tắt vào sơ phác, có khi ghi ngày, tháng.

Renzo Piano có duyên với Việt Nam. Ông đã đến Hà Nội làm việc với chính quyền thành phố về một dự án quan trọng, đó là thiết kế Nhà hát Thăng Long đặt tại Hà Nội. Chúng ta chờ đợi công trình này của ông.

PGS.TS Tôn Đại
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2017)





Các đối tác

Kết nối