Home Tin tức Kiến trúc xây dựng
Những KTS tài danh của Sài Gòn trước 1975

By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 3/6/2017

Nhiều đánh giá vội vã và sai lầm cho rằng về mặt kiến trúc, Sài Gòn không có các công trình đóng góp vào hướng phát triển một nền kiến trúc hiện đại mang bản sắc dân tộc ở phía Nam. 

Trụ sở Việt Nam Thương Tín

Tôi không cho rằng đó là cách đánh giá đúng đắn, vì các nhà thiết kế và công trình nêu ra sau đây là minh chứng.

Những tên tuổi lớn

Tên tuổi các kiến trúc sư (KTS) lớn như Ngô Viết Thụ, Nguyễn Hữu Thiện, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc, Trần Đình Quyền, Nguyễn Bá Lăng … với các công trình tiêu biểu như khách sạn Caravelle, dinh Độc Lập, Thư viện Quốc gia, Bệnh viện Vì Dân, chùa Vĩnh Nghiêm … đã được giới kiến trúc cả nước đánh giá là có thể tiêu biểu cho dòng kiến trúc hiện đại nhiệt đới hóa, mang bản sắc Việt.

Ngoài KTS Ngô Viết Thụ ta đã nói nhiều với thiết kế dinh Độc Lập, tôi muốn ghi thêm các văn phòng thiết kế và KTS nổi tiếng khác ở Sài Gòn trước năm 1975. KTS Nguyễn Hữu Thiện là bạn đồng môn với KTS Huỳnh Tấn Phát ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông vẫn kiên trì thể hiện phong cách truyền thống trong kiến trúc mới. Nhiều ngôi chùa ở Sài Gòn là tác phẩm của ông.

Công trình đỉnh cao của ông theo hướng tìm tòi, sáng tạo một phong cách kiến trúc mà trong giới kiến trúc gọi là “hiện đại – bản địa”, thể hiện qua công trình hợp tác cùng các KTS Bùi Quang Hanh và Lê Văn Lắm (từng học một thời gian ở Mỹ thuật Đông Dương rồi sang Pháp) là Thư viện Khoa học tổng hợp. Công trình có đường nét hiện đại nhưng khai thác được các môtip trang trí dân tộc, với nào tường hoa, mái nhô, hồ nước, cây xanh …

Công trình này đã kết hợp nhuần nhuyễn được hai trường phái kiến trúc công năng hiện đại phương Tây (các KTS Hanh và Lắm) và đáp ứng yêu cầu khí hậu nhiệt đới, thẩm mỹ dân tộc (KTS Thiện). Tất cả gom lại tạo cho công trình một phong cách độc đáo, gần gũi với người mình nhưng không xa lạ với trào lưu kiến trúc thế giới.

LB Hải quân, sau này là Văn phòng 2 của Chính phủ – Ảnh: tư liệu

Tuy là một phật tử, KTS Thiện lại từng thiết kế thành công một ngôi nhà thờ Công giáo – nhà thờ Thị Nghè. Nét truyền thống đình chùa thể hiện khá rõ trong tổng thể gồm cửa tam quan, tháp chuông, tiền sảnh và mái. Tháp chuông vút cao, trang trí hoa gió môtip Việt lẫn hai tầng mái đặt trên chóp, kiểu tháp chuông chùa. Mái dốc lợp ngói đỏ cong lên ở đuôi gợi nhớ hình ảnh công trình cổ.

Vào cuối thập kỷ 1950 và các năm 1960-1970, nhóm KTS Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc nổi tiếng với hàng loạt công trình mới xây dựng theo hướng hiện đại như khách sạn Caravelle, xưởng dệt Vinatexco, Nhà máy giấy Cogido ở Biên Hòa, Ngân hàng Việt Nam Thương tín, Trung tâm văn hóa Idecaf … Văn phòng kiến trúc uy tín bậc nhất Sài Gòn của nhóm này là mẫu mực một công ty thiết kế kiến trúc có hệ thống tổ chức rất tốt, đảm nhận xây dựng nhiều công trình quy mô lớn ở Sài Gòn và khắp miền Nam trước năm 1975, đặc biệt là công trình nhà xưởng và văn phòng.

KTS Nguyễn Văn Hoa là học trò của giáo sư Arthur Kruje, người thiết kế khách sạn Caravelle, nên được ông này giao công việc lại khi quay về Pháp. Các ông Phạm Văn Thâng và Nguyễn Quang Nhạc ở Pháp về cộng tác ở văn phòng này.

Các ông cũng là các nhà giáo kiến trúc tài giỏi, có uy tín, lại chủ trương dứt khoát kiến trúc mới phải theo phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây.

Và các ông thật sự đã góp phần đào tạo được một đội ngũ đông đảo KTS Sài Gòn tài năng, bắt kịp thời đại khi thiết kế được nhiều công trình mới không thua kém các KTS phương Tây ở khắp miền Nam thời Mỹ, trước năm 1975.

Kiến trúc bệnh viện và chùa chiền

Lớp KTS nổi danh và trẻ hơn phải kể đến các KTS Nguyễn Bá Lăng và Trần Đình Quyền.

KTS Trần Đình Quyền tốt nghiệp Trường Kiến trúc Sài Gòn. Sau hai năm được tuyển chọn đi Mỹ tham quan ngành kiến trúc bệnh viện, được nhận học tại trường đại học danh tiếng Colombia ở New York.

Trở về nước, ông bắt tay vào lập các đồ án thiết kế mới và đồ án nâng cấp cải tạo, mở rộng nhiều công trình bệnh viện như Bệnh viện Vì Dân (nay là Thống Nhất), Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, các bệnh viện Long An, Nhà Bè, Hóc Môn, Nhi Đồng 1, Bình Dân …

Ông chủ trương hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ tốn kém, tạo thông thoáng tự nhiên vừa phù hợp khí hậu nhiệt đới, vừa tiết kiệm năng lượng. Các công trình của ông được đánh giá rất cao về các mặt này. Sau ngày giải phóng, ông vẫn tiếp tục vẽ bệnh viện ở nhiều tỉnh thành cả nước.

KTS Nguyễn Bá Lăng thì đặc biệt nổi tiếng với kiến trúc chùa chiền. Các công trình của ông mang đậm nét dân tộc nhưng kết cấu và bố cục rất hiện đại, tập trung tiết kiệm với việc sử dụng vật liệu địa phương.

Thư viện Quốc gia của Sài Gòn cũ, bây giờ là Thư viện Khoa học tổng hợp – Ảnh: tư liệu

Trường hợp đặc biệt

KTS Huỳnh Tấn Phát là một trường hợp đặc biệt vì ông vừa là một nhà lãnh đạo hàng đầu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, vừa là một kiến trúc sư tài giỏi.

Ông tốt nghiệp xuất sắc Mỹ thuật Đông Dương trong thập niên 1930, khá nổi bật vào đầu những năm 1940 ở Sài Gòn khi đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế Triển lãm kinh tế Đông Dương lần thứ hai tại Vườn Bờ Rô (nay là công viên Tao Đàn) Sài Gòn.

Tòa nhà đồ sộ cao năm tầng Câu lạc bộ Thủy thủ Pháp (sau trở thành Phủ thủ tướng và nay là Văn phòng 2 của Chính phủ ở phía Nam) ông tham gia thiết kế khi còn thực tập trong văn phòng kiến trúc Pháp Chauchon càng làm tăng uy tín nhà kiến trúc người Việt tài ba này.

Sau năm 1975, ông đã tự tay phác thảo gợi ý cho công trình nhà hát Hòa Bình lớn nhất nước ở quận 10, TP.HCM.

  KTS Nguyễn Hữu Thái – Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ





Các đối tác

Kết nối