Home Tin tức Các đồ án xuất sắc
Làng chài Cửa Vạn hồi sinh – Giải Nhì Loa Thành 2023

By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 24/12/2023

  1. Tên đồ án: Làng chài Cửa Vạn hồi sinh
  2. Giải thưởng: Giải Nhì Loa thành 2023
  3. SVTH: Nguyễn Long Vũ
  4. GVHD: TS. KTS Trần Minh Tùng
  5. Trường: ĐH Xây dựng Hà Nội

Làng chài Cửa Vạn là một trong số ít các làng chài cổ còn sót lại trên vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới. Thời điểm năm 2013 – 2014, sau những cảnh báo tước danh hiệu di sản đối với vịnh Hạ Long của UNESCO, nguyên nhân là do sự quản lý thiếu nhất quán dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường vịnh. Từ đó, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra đề án “Di dời người dân làng chài lên đất liền” với quan điểm người dân làng chài chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên việc thay đổi môi trường sống khiến cho “phố làng chài” có những câu chuyện dở khóc dở cười và họ tìm cách để quay lại vịnh.

Chỉ sau vài tháng sau khi ngư dân lên bờ, chính quyền Quảng Ninh bắt đầu rầm rộ xây dựng các đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị, văn hóa làng chài. Những ngôi nhà được giữ lại, những mô hình lớp học nổi được mô hình hóa, những tập quán văn hóa được trình diễn một cách khô cứng và cả những thước phim tài liệu được phát hành tất cả để mô tả về cuộc sống người dân làng chài xưa.

Để giải quyết bài toán này, đồ án sẽ hướng đến kiến trúc bền vững, sự phát triển của thế hệ hiện tại trên vịnh sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ sau. Những ngôi nhà của người dân sẽ được module hóa bởi do đặc thù kinh tế nên những người dân nghèo không thể nào xây dựng một kiến trúc hoàn thiện ngay từ lần đầu tiên. Tiếp đến là sự gắn kết giữa các hộ gia đình lại với nhau theo lý thuyết của Christopher Alexander, từ đó hình thành nên những xóm ngư dân. Đặc biệt ở trong một khu vực đặc thù như vịnh Hạ Long này, những cụm dân cư nói chung và những ngôi nhà nói riêng cần sở hữu một thiết kế thụ động dựa vào địa hình tự nhiên cũng như hòa hợp với cảnh sắc, từ đó hình thành nên ý tưởng về hình thái công trình là sự tái hiện hình ảnh của thiên nhiên được cách điệu qua tam giác bền vững. Tuy nhiên cần thiết công nghệ xây dựng và vận hành đảm bảo an toàn môi trường, trong đồ án sử dụng module hầm nổi là giải pháp đang dần được phổ biến hóa thay thế phao nổi cũ bởi sự tối ưu của giải pháp này. Đồng thời mô hình tự vận hành năng lượng của từng ngôi nhà cũng được chú trọng và chính việc module hóa toàn bộ công trình sẽ là giải pháp hữu hiệu khi vận hành cũng như sửa chữa.

Tựu chung lại, mục tiêu của đồ án là tìm kiếm hướng đi khác nhằm giúp tỉnh giải quyết vấn đề làm thế nào để người dân có được cuộc sống tốt để vừa biến nơi đây thành ngôi nhà khang trang dành cho họ vừa là điểm đến thu hút khách du lịch. Với quan điểm để người dân trở thành người quản lý cho vùng vịnh sẽ giúp cải thiện tình hình môi trường tại đây đồng thời giữ lại nét đẹp văn hóa làng chài và biến những công trình của hôm nay sẽ là “di sản” để lại cho thế hệ sau. Sẽ không thể để Hạ Long trở thành “di sản chết – vô hồn”.





Các đối tác

Kết nối