HỢP TÁC VỚI ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC ĐÀ NẴNG
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 8/4/2019
Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch
luôn chú trọng đổi mới giảng dạy, nhất là các đồ án môn học mà Bộ môn phụ
trách, cùng với công tác đối ngoại, không chỉ với các trường/tổ chức quốc tế mà
còn bao gồm những cơ sở đào tạo kiến trúc trong nước. Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
- năm 2019 này trở thành một đối tác mới quan trọng của Bộ môn. Trong hai ngày
05/04 và 06/04 vừa qua, đoàn cán bộ Đại học Kiến trúc Đà Nẵng gồm 06 thành viên
do TS. Phạm Anh Tuấn dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc cùng Bộ môn Kiến
trúc Dân dụng.
Đón tiếp đoàn hôm 05/04 có lãnh đạo và toàn thể cán bộ giảng
dạy của Bộ môn. TS. Phạm Anh Tuấn đã giới thiệu công tác giảng dạy đồ án kiến
trúc hiện đang được áp dụng có kết quả tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Lợi thế của
Đại học Kiến trúc Đà Nẵng là đơn vị mới thành lập nên có điều kiện tiếp cận và
triển khai những mô hình đào tạo kiến trúc tiên tiến của thế giới, mà cụ thể
hơn là hệ thống đồ án của Đại học Texas (Hoa Kỳ). Hơn nữa, lãnh đạo Khoa là người
dám quyết và dám thực hiện, hướng tới tiêu chí chất lượng đào tạo tiếp cận với
chuẩn mực thế giới. Hiện số lượng đồ án của sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
phải thực hiện trong quá trình học tập 05 năm là 16, tương đương với số đồ án
mà sinh viên kiến trúc Đại học Xây dựng làm trong cùng thời gian, và sẽ giảm dần
xuống 11, rồi 9, để sinh viên có điều kiện nghiên cứu và thực hiện kỹ hơn cũng
như hiểu rõ hơn công việc chuyên môn sau này ra trường để có thể bắt nhịp với tiến
độ và đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, sinh viên làm đồ án theo
nhóm 3 - 4 người, và một đồ án kéo dài 15 tuần theo mô hình mới. Lãnh đạo Đại học
Kiến trúc Đà Nẵng rất chú trọng khâu Architectural Programming (tạm dịch lập
nhiệm vụ thiết kế và thực hiện đồ án/dự án theo từng công đoạn), gồm 06 bước, từ
đọc hiểu nhiệm vụ thiết kế cho đến phân tích khu đất, nghiên cứu ma trận chức
năng, sơ đồ chức năng, sơ đồ khối, lên ý tưởng và thể hiện - trình bày. Các bước
đầu tiên thưc sự vô cùng quan trọng đối với sinh viên. Sinh viên có 03 bài tập
nhỏ được lồng ghép vào đồ án trong những tuần đầu tiên, bao gồm:
- Bài tập 01: xác định
nhu cầu không gian, tự tính toán diện tích các hạng mục chức năng trên những
thông số cơ bản đầu vào được cung cấp, chứ không nhận một nhiệm vụ thiết kế
hoàn chỉnh như sinh viên của một số trường khác. Từ đó sinh viên lập bảng
phân bố các thành phần không gian của công trình.
- Bài tập 02: lập sơ đồ
liên hệ về mặt giao thông và chức năng giữa các cụm chức năng và giữa các
không gian thành phần trong mỗi cụm chức năng, thông qua ma trận và các sơ
đồ tư duy.
- Bài tập 03: trên cơ sở
02 bài tập đầu tiên, sinh viên học cách phát triển sơ đồ khối và tìm kiếm
ý tưởng.
Tất cả các khâu chuẩn bị này đều được đánh giá, cho điểm
(chiếm 20% điểm chung cuộc), và kỹ năng thuyết trình được đánh giá rất cao. Yếu
tố “phản tư” (phản biện ý kiến và suy nghĩ, tìm tòi những điều mới lạ, độc đáo)
cũng luôn được khích lệ.
Một điểm mạnh về đào tạo nữa của Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
là Câu lạc bộ Kicodo (Kiến trúc Cộng đồng) hoạt động từ những ngày đầu và vẫn
duy trì đều đặn cho đến nay những hoạt động thiết kế của sinh viên hướng tới cộng
đồng, thiết kế vì cộng đồng để sinh viên kiến trúc hôm nay và kiến trúc sư
tương lai nhận thức rõ và đầy đủ trách nhiệm phụng sự cộng đồng. Nội dung này
được Ths Phan Trần Kiều Trang, phụ trách Câu lạc bộ chia sẻ. Sinh viên bên cạnh
sự đánh giá hoàn thành đồ án môn học sẽ có những trải nghiệm quý báu trong những
chuyến đi học tập thực tế về các cộng đồng dân cư tại địa phương, lắng nghe
nguyện vọng của cộng đồng và trao đổi những ý tưởng cùng người dân, cùng hợp
tác thi công những công trình nhỏ về quy mô nhưng ý nghĩa không hề nhỏ, chẳng hạn
như sân chơi cho trẻ em hay một thư viện nhỏ cho người dân đọc sách.
Ngày làm việc thứ hai, mùng 06/04, đoàn Đại học Kiến trúc
Đà Nẵng tham dự một hội thảo khoa học về Sân chơi mạo hiểm dành cho trẻ em, một
mô hình khá phổ biến ở Nhật Bản và một số quốc gia trong khu vực nhưng vẫn còn
khá mới mẻ ở Việt Nam. Đây là hoạt động hợp tác được đồng tổ chức bởi Bộ môn Kiến
trúc Dân dụng và đối tác Think Playground. Tại hội thảo này, các chuyên gia đến
từ Nhật Bản đã trình bày cụ thể mô hình sân chơi và hai đơn vị đào tạo của hai
trường có dịp chia sẻ kinh nghiệm của mỗi bên qua những dự án tương tự đã được
thực hiện trong mấy năm qua.
Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương đã được lãnh đạo hai
bên bàn luận và sẽ sớm được ký kết để làm cơ sở cho nhiều hoạt động chuyên môn
sẽ được triển khai trong những năm sắp tới.
Nguyễn
Quang Minh