Có thể
nói đồ án là môn học quan trọng hàng đầu đối với sinh viên (SV) ngành kỹ
thuật nói chung và SV kiến trúc nói riêng. Mỗi đồ án là một dịp để SV
củng cố kiến thức đã tích lũy, rèn luyện thêm tư duy sáng tạo, học hỏi
những điều hay cũng như phát triển các kỹ năng mới qua một trường hợp cụ
thể, giúp SV tiếp cận công việc thực tế của một KTS trong tương lai.
Còn đối với một số SV năng động đang thực tập và học việc trong các
xưởng thiết kế hoặc văn phòng tư vấn thì có thể áp dụng ngay cho những
dự án bên ngoài xã hội.
Kiến trúc Dân dụng là bộ môn phụ trách nhiều đồ án môn học thiết kế
công trình của Khoa Kiến trúc và Quy hoạch thuộc Đại học Xây dựng. Năm
2016, Bộ môn đã tiến hành nghiên cứu đổi mới hệ thống đồ án, nâng cao
chất lượng đồ án bằng cách tăng thời gian thể hiện, đưa thêm khối lượng –
ngoài nội dung quy hoạch và kiến trúc còn có thêm phần kỹ thuật công
trình – để tiếp cận với xu thế đào tạo kiến trúc chung của khu vực và
thế giới (xem Tạp chí Kiến trúc số 259 phát hành tháng 11/2016). Tuy
nhiên, hiện thực hóa đề xuất này cần có một lộ trình chuyển đổi, có thể
kéo dài vài ba năm. Trong thời gian đó, khung chương trình cũ với hai đồ
án môn học mỗi học kỳ, nghĩa là mỗi đồ án SV chỉ có bảy tuần để nhận
nhiệm vụ, tìm ý và hoàn chỉnh phương án kiến trúc, vẫn tiếp tục được áp
dụng. Thực tế cho thấy, bảy tuần là khoảng thời gian vừa đủ để một SV
với học lực giỏi có thể hoàn thành một đồ án có chất lượng, còn với các
SV khác thời gian này là ngắn. Tỷ lệ SV đạt điểm trung bình và dưới
trung bình tương đối cao vì nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách
quan. Vậy có giải pháp nào để cải thiện tình hình trong một khuôn khổ
khá hạn hẹp về mặt thời gian của một đồ án kiến trúc dân dụng? Bài viết
này có thể được coi là một ý kiến trao đổi, giúp SV đạt kết quả khả quan
hơn và quan trọng hơn là xây dựng được một phương pháp làm việc thích
hợp. Từ “sợ” đồ án, SV sẽ chuyển sang “thích” và dần dần “đam mê” đồ án
môn học, tạo đà để thực hiện tốt các dự án thực tế sau khi tốt nghiệp.
Câu chuyện bảy tuần …
Bộ môn Kiến trúc Dân dụng thuộc Khoa Kiến trúc và Quy hoạch tại Đại
học Xây dựng phụ trách sáu trong số tám đồ án kiến trúc công trình từ
DD3 đến DD8. Ngoại trừ đồ án DD8 do tính phức hợp về công năng cũng như
độ khó về kỹ thuật của công trình cao hơn nên được bố trí thêm một tuần
so với thời gian định mức. Trong thời gian bảy tuần này, SV gặp giáo
viên để thông qua đồ án một buổi kéo dài năm tiết (tương đương khoảng
bốn tiếng đồng hồ). Một lớp học đồ án với khoảng 60 SV sẽ do ba giảng
viên (GV) phụ trách. Như vậy, một GV sẽ hướng dẫn trên dưới 20 SV, nếu
tính cả số SV khóa trước học lại được ghép vào lớp thì tỷ lệ SV/GV có
thể lên tới 25/1 . Ba tuần đầu tiên, khi giảng những vấn đề chung cho cả
lớp hoặc một nhóm, quỹ thời gian bốn tiếng này có thể đủ. Nhưng bắt đầu
từ tuần thứ tư trở đi, khi SV đã đi theo các hướng khác nhau và có ý đồ
riêng, thời gian chữa bài cho 25 SV sẽ tăng khoảng gấp đôi. Một buổi
bốn tiếng như vậy chỉ có thể sửa bài tương đối cụ thể và cẩn thận cho 12
– 13 SV (tạm gọi là nhóm 1). Do vậy, GV phải bố trí thêm một buổi trong
tuần để hướng dẫn số SV còn lại (tạm gọi là nhóm 2). Điều này không
phải lúc nào cũng thực hiện được dễ dàng vì thực tế khung giờ trống của
GV và SV nhóm 2 hay bị lệch nhau. Trong trường hợp đó, một số GV buộc
phải yêu cầu SV gửi bài qua thư điện tử, xem và góp ý chi tiết thẳng vào
bài rồi gửi lại. Đây quả thực là sự lựa chọn bất đắc dĩ vì hiệu quả của
hình thức làm việc kiểu “từ xa” này sẽ không thể hiệu quả bằng gặp và
trao đổi trực tiếp bài vở trên lớp. Như vậy sẽ là “thiệt thòi” cho SV
nhóm 2. Còn nếu dồn toàn bộ hai nhóm với 25 SV để thông đồ án trong một
buổi để đảm bảo yếu tố trực tiếp và công bằng thì sẽ quá tải đối với GV.
Với thời gian chia ra chỉ 10 phút/SV sẽ khó có thể sửa bài được kỹ
lưỡng.
Như vậy, có thể thấy lịch làm việc bảy tuần khá “khít”. Chỉ cần SV
trễ một nhịp, bất kể vì lý do gì, cũng sẽ khiến công việc tự động dồn
lại và những tuần sau đó trở nên căng thẳng và vất vả. Ngoại trừ một số
ít cá nhân xuất sắc, đa số các SV còn lại đều cảm thấy đồ án quá sức với
mình. Theo kết quả khảo sát tiến hành năm 2016 với sự tham gia của 203
SV thuộc sáu lớp cho đồ án DD3 (đồ án đầu tiên) và 148 SV thuộc năm lớp
khác cho đồ án DD7 (đồ án gần cuối cùng mà Bộ môn phụ trách), tỷ lệ SV
cảm thấy áp lực về thời gian (thời gian làm đồ án bảy tuần là khá ít)
lần lượt là 52,2% và 80,4%, và số SV có nguyện vọng tăng thêm gấp rưỡi
hoặc gấp đôi thời gian làm đồ án (để có được sự nghiên cứu sâu hơn về
giải pháp kiến trúc và các vấn đề kỹ thuật công trình) ở mức cao, lần
lượt là 69,7% và 99,0% (Nguồn: Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, 2016, Đề tài
nghiên cứu khoa học “Đổi mới hệ thống đồ án môn học”).
Hai trong số nhiều lý do mà GV nhận thấy trong thực tế hướng dẫn đồ
án khiến đa số SV thường xuyên bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra ban
đầu là:
- Làm việc không đúng phương pháp, nên tốn khá nhiều thời gian – nhiều
gấp đôi đến gấp ba mức cần thiết – mới tìm được một phương án có thể
chấp nhận được;
- Chưa tận dụng được nguồn tài liệu tham khảo mà bản thân SV có thể tự
chủ động tìm kiếm, kể cả khi được GV chỉ rõ tận nguồn hoặc trực tiếp
cung cấp.
Đó cũng là hai vấn đề trọng tâm của bài viết mà tác giả sẽ phân tích
cụ thể. Từ việc chậm tiến độ, chất lượng đồ án sẽ bị ảnh hưởng. Trong
một số trường hợp, có thể là do quá “bí bách”, xuất hiện tình trạng SV
sao chép bài, vi phạm nội quy học tập.
Điều đáng bàn ở đây là các đồ án tuy khác nhau về quy mô, tính chất
và thể loại, phương pháp luận về cơ bản lại khá giống nhau. Chỉ cần được
giảng cặn kẽ một hoặc hai lần là SV học lực trung bình khá trở lên có
thể tiếp thu và vận dụng cho những đồ án sau. Tuy nhiên, hiện tượng phổ
biến là còn lúng túng về phương pháp trong đồ án ngay sau vẫn xảy ra
tương đối phổ biến, do SV thiếu tính linh hoạt khi vận dụng.
Làm thế nào để làm một đồ án đúng phương pháp trong những bước đi đầu tiên?
Phương pháp luận đóng vai trò hết sức quan trọng trong nghiên cứu
khoa học. Sự thành công hay thất bại của một đề tài nghiên cứu phụ thuộc
phần lớn vào sự đúng đắn hoặc phù hợp của phương pháp tiến hành. Tương
tự như vậy, khi làm một đồ án kiến trúc công trình, nếu SV nắm vững
phương pháp sẽ tiết kiệm được công sức và nhất là thời gian. Thay vì mất
bốn đến năm tiếng đồng hồ để tìm ra giải pháp, SV chỉ cần chưa đến 90
phút. Còn nếu xét trong cùng một khoảng thời gian, khối lượng công việc
thực hiện được sẽ nhiều hơn.
Để có thể tìm được một ý tưởng tốt, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân
(được thể hiện ở tinh thần làm việc chủ động và tích cực) và sự hướng
dẫn của GV, SV cần:
- Hiểu rõ nhiệm vụ thiết kế với tất cả thông tin quan trọng được cung cấp;
- Biết cách phân tích khu đất để nắm vững các điểm mạnh và điểm yếu của khu đất;
- Thuộc lòng dây chuyền công năng chuẩn của công trình;
- Vận dụng một số thủ thuật chuyển hóa dây chuyền công năng thành mặt bằng.
Từ nhiệm vụ thiết kế được cung cấp, SV sẽ lọc những thông tin quan
trọng nhất về quy hoạch tổng mặt bằng và về kiến trúc. Ngoài ra, còn có
một số dữ liệu khác, có thể nhiệm vụ thiết kế không nêu song vẫn phải
được liệt kê cho đầy đủ và khai thác từ các quy chuẩn – tiêu chuẩn thiết
kế hiện hành của Việt Nam, có tham khảo các tiêu chuẩn nước ngoài (nếu
cần thiết). Cuốn “Neufert – Dữ liệu Thiết kế của KTS” luôn là một cuốn
cẩm nang hữu ích. Từ các thông tin và dữ kiện đó, SV cần trình bày vào
trong một bảng biểu, (cố gắng gọn trong một mặt của tờ giấy khổ A4 cho
công trình quy mô nhỏ đến trung bình hoặc khổ A3 cho công trình quy mô
lớn) để tiện theo dõi trong quá trình thiết kế. Bảng biểu này còn được
sử dụng về sau như một danh mục kiểm tra khi bản thiết kế mặt bằng hoàn
tất. SV sẽ đối chiếu các phòng chức năng từ bản vẽ lên danh mục này và
đánh dấu tích bên cạnh từng dòng của phòng chức năng để chắc chắn rằng
bản thiết kế đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mà đề tài đặt ra về thể loại,
số lượng và diện tích.
Mỗi khu đất cụ thể được cho trước sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu
nhất định. SV cần có cách nhìn toàn diện và chính xác, hiểu rõ những lợi
thế và hạn chế của khu đất để có phương án phát huy và khắc phục tương
ứng, và quan trọng hơn là đặt các hạng mục chức năng vào đúng vị trí cần
thiết. SV nên đặt hệ trục tọa độ xOy vào khu đất với trục Oy chỉ đúng
hướng bắc và gốc tọa độ O đặt ở điểm trung tâm của khu đất. Từ điểm
trung tâm này, kẻ các đoạn thẳng nối với các đỉnh của khu đất, như vậy,
một khu đất hình đa giác có thể được chia thành nhiều miếng tam giác.
Nhiệm vụ của SV là đánh giá giá trị của từng miếng hình tam giác này lần
lượt trên các khía cạnh:
- Giao thông – tiếp cận (cho người đi bộ và cho người đi xe);
- Điểm nhìn – cảnh quan (từ bên trong nhìn ra và từ bên ngoài nhìn vào);
- Hướng nắng;
- Hướng gió;
- Các yếu tố tác động khác (tiếng ồn, nguồn gây ô nhiễm, …)
Cho đến nay, đa số SV vẫn đánh giá khu đất theo kiểu diễn họa đơn
giản và tách rời từng yếu tố một, không tổng hợp lại nên thiếu tính bao
quát, do đó chưa nhìn nhận hết các yếu tố thuận lợi hoặc khó khăn của
toàn khu đất. Điều này có thể liên tưởng đến điển tích “thầy bói xem
voi”, mỗi thầy bói cảm nhận một bộ phận riêng rẽ của con voi rồi phát
biểu phiến diện. Việc phân tích và đánh giá không đầy đủ nên xảy ra tình
trạng đặt hạng mục chức năng không đúng vị trí, giải pháp tổng mặt bằng
không đạt yêu cầu, dẫn đến khâu kế tiếp là thiết kế mặt bằng công trình
cũng thiếu hợp lý.
Trở lại vấn đề phân tích và đánh giá, căn cứ vào các yếu tố cụ thể
được hiển thị trên và xung quanh khu đất (đường phố và các luồng giao
thông, sơ đồ quỹ đạo mặt trời trong ngày, hướng gió chủ đạo theo mùa,
diện tích cây xanh, mặt nước, các hoạt động hàng ngày diễn ra, …) SV sẽ
xác định từng yếu tố tác động lên từng miếng hình tam giác đã chia từ
khu đất ban đầu là tốt/có lợi (ký hiệu dấu +), bình thường (ký hiệu dấu
o) hoặc không tốt/bất lợi (ký hiệu dấu –). Các ký hiệu này sẽ được thể
hiện bằng năm màu khác nhau tương ứng với năm yếu tố tác động kể trên để
dễ dàng phân biệt và nên ký hiệu to/nhỏ theo mức độ thuận lợi/không
thuận lợi nhiều hoặc ít cho trực quan. Căn cứ vào mức độ tập trung các
ký hiệu +, o và – và kích cỡ của các ký hiệu đó, SV có thể nhận định đâu
là khu vực ưu tiên số 1 (thuận lợi nhất), số 2 (thuận lợi nhì), … để từ
đó bố trí các khối chức năng cho phù hợp. Trong trường hợp hai miếng
đất tam giác có số lượng dấu + bằng nhau thì xét đến yếu tố quan trọng
hơn (là giao thông hoặc điểm nhìn, hướng nắng, hoặc hướng gió tùy từng
trường hợp) nhằm mục đích phân định thứ bậc cho chính xác. Thông thường,
nếu không có gì đặc biệt, hạng mục chức năng chính sẽ bố trí ở khu vực
ưu tiên 1 và 2, các hạng mục chức năng phụ sẽ đặt ở khu vực còn lại.
Về dây chuyền công năng, SV tiếp thu từ môn học lý thuyết bổ trợ là
Nguyên lý Thiết kế Kiến trúc Nhà ở hoặc Nguyên lý Thiết kế Kiến trúc
Công cộng đã được giảng dạy trước đó, chỉ cần 10 – 15 phút xem lại. Trừ
những trường hợp công năng phức tạp cần đến sự giúp đỡ của GV hoặc tham
khảo tài liệu, SV hoàn toàn có thể tự suy luận rồi thiết lập nên dây
chuyền công năng của công trình căn cứ trên logic của hành động.
Chuyển hóa sơ đồ dây chuyền công năng thành mặt bằng là vấn đề mà
nhiều SV vướng mắc, đặc biệt là các đồ án mang tính phức hợp cao với
nhiều hạng mục chức năng đan xen hoặc song song với nhau như đồ án DD6
(nhà văn hóa – câu lạc bộ), DD7 (nhà thi đấu thể thao – bể bơi), DD8
(khách sạn – bệnh viện – công trình cao tầng đa chức năng). Ma trận chức
năng là công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp SV xác định mối liên hệ giữa hai
phòng chức năng A và B (là trực tiếp hay gián tiếp hay không có liên hệ)
để kiểm tra tính hợp lý của giải pháp thiết kế mặt bằng công trình. Tuy
nhiên, ma trận này tỏ ra không thật sự hiệu quả trong trường hợp các
không gian chức năng có những mối liên hệ bộ ba, thậm chí bộ bốn mà ma
trận chức năng chỉ xét quan hệ theo từng cặp, khó thể hiện được rõ.
Dây chuyền chức năng thực chất chỉ là sơ đồ dạng nguyên lý. Với từng
khu đất cụ thể, sơ đồ này phải có sự biến đổi nhất định sao cho phù hợp,
chẳng hạn như sơ đồ tuyến dài gặp trường hợp khu đất gần vuông phải
tiến hành bẻ góc thành hai hoặc ba đoạn – thành hình chữ L hoặc hình chữ
U. Ngược lại, sơ đồ nguyên lý chuỗi vòng đặt vào khu đất chạy dài sẽ
phải “duỗi thẳng”. Sơ đồ “vuông thành sắc cạnh” vận dụng vào khu đất có
hình dáng tự do nên để “lỏng” hoặc “chùng” một vài đoạn cho phù hợp với
những cạnh cong hoặc gấp khúc theo yêu cầu của thiết kế đô thị. Hơn nữa,
yếu tố diện tích hoặc khối tích của khu chức năng nhiều khi không được
thể hiện trên sơ đồ công năng với những hình vuông/hình chữ nhật mang
tính tượng trưng. Có những SV đã thiết lập được sơ đồ công năng chuẩn,
nhưng khi xét đến thông số diện tích hoặc khối tích (đảm bảo diện
tích/khối tích này đúng yêu cầu thiết kế) sẽ phải phóng to một khối nào
đó lên, khiến sơ đồ ban đầu bị lệch tương đối nhiều và ý đồ tạo hình sẽ
khác, khó kiểm soát. Không ít SV quan niệm đường bo vạch ra ban đầu là
một chiếc khuôn cứng, và cố gắng dồn các chức năng vào trong khuôn đó
cho vừa đến mức “đông đặc”, hoặc ngược lại nếu vẫn còn thừa không gian
thì cấy thêm chức năng khác hoặc đẩy số lượng phòng chức năng ban đầu
lên theo tư duy “lấp đầy chỗ trống”. Để khắc phục điều này, SV nên coi
chiếc khuôn vạch ra ban đầu đó là “khuôn dẻo”, có thể co giãn được. Điều
quan trọng là đã xác định được vị trí tối ưu của từng khối chức năng
trong một mạng lưới tổng thể. Chính sự “co giãn” đó, xét trên phương
diện tạo hình lại là phép lợi thế trên nền một công năng đã “đạt chuẩn”.
Một vấn đề nữa mà SV hay đặt câu hỏi là: Làm cách nào để vẫn tạo ra
hình thức như mong muốn khi đua một khối nào đó của công trình ra nhiều
hơn, nhằm tăng hiệu quả thị giác mà không vượt quá ngưỡng chênh lệch cho
phép +-10% về diện tích sàn đã cho? Câu trả lời không quá khó: Xen cấy
các khoảng thông tầng, sân trong hay giếng trời, vừa lấy thêm đươc ánh
sáng tự nhiên, thông gió tốt hơn, đưa thiên nhiên vào gần hơn và không
gian linh hoạt cũng như hấp dẫn hơn.
Như đã đề cập ở trên, từ sơ đồ công năng đến mặt bằng còn phải qua
một bước là kích thước hóa các không gian chức năng thành phần. Một thủ
thuật mà không nhiều SV vận dụng là cắt bìa rời theo kích thước, tô màu,
ghi tên và xếp hình để tìm cấu trúc cũng như hình dạng cơ bản của mặt
bằng. Nếu vẫn chưa hợp lý thì gạt đi xếp lại theo cách khác, luôn lấy
một không gian làm chuẩn để từ đó định vị dần dần các phòng còn lại, căn
cứ trên mối tương quan về chức năng hoặc giao thông (hoặc cả hai) giữa
các bộ phận. Về nguyên tắc, mỗi bộ phận có một vị trí tối ưu xác định,
không ở trên thì ở dưới, không ở bên trái thì ở bên phải, không ở phía
trước thì ở phía sau, không ở phía trong thì ở phía ngoài,… SV sắp xếp
một hồi, thử lần lượt các khả năng thế nào cũng tìm ra phương án tối ưu.
Thay vì phải vẽ đi vẽ lại chục lần, gạch xóa, tẩy phủ, … mất rất nhiều
thời gian, cách cắt bìa xếp hình này dễ, nhanh và hiệu quả cao hơn
nhiều. Khi mặt bằng tầng dưới đã chuẩn, có thể cố định các miếng bìa màu
ghi tên phòng chức năng đã được đảm bảo diện tích theo kích thước lên
tờ giấy bằng băng dính hai mặt, tốt nhất là đặt trở lại vào trong khu
đất theo đúng tỷ lệ để dễ kiểm soát các khoảng đua ra – lùi vào, đảm bảo
khoảng đua ra không quá chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng đến lối tiếp
cận và lưu thông xe cứu thương cũng như xe cứu hỏa, từ đó chỉ việc đặt
giấy can lên rồi vẽ mặt bằng tầng trên, thay vì giấy trắng hoặc giấy kẻ ô
không trong suốt khó nhìn – phải lật đi lật lại nhiều lần để xem và đối
chiếu. Qua lớp giấy can, cỏ thể nhìn rõ không gian bên dưới có chức
năng gì, với các điểm chốt cố định là những vị trí thang, khu vệ sinh và
khoảng thông tầng luôn thẳng hàng từ trên xuống dưới. Các vị trí khác
cần xét mối liên hệ theo chiều dọc (nếu có) của không gian bên dưới và
không gian bên trên, chẳng hạn như trong đồ án DD3 (biệt thự), mối liên
hệ theo chiều đứng phòng khách (tầng 1) – phòng sinh hoạt chung (tầng 2)
– phòng thờ (tầng 3) được xác định ngay từ đầu và giúp nhanh chóng định
vị các không gian khác của từng tầng phía trên.
Cảm hứng là một yếu tố không kém phần quan trọng, giúp SV tìm ý nhanh
hơn và chất lượng hơn. Khi đã mệt mỏi hoặc tinh thần bị ức chế, tốt
nhất là nên nghỉ ngơi. Cảm hứng lại liên quan đến thời gian. Có SV cho
biết thời điểm tốt nhất để tư duy đồ án là sáng sớm. Đối với SV khác đó
lại là lúc tối muộn – sau 22h – đủ yên tĩnh để tập trung, sau khi chợp
mắt khoảng một tiếng để tinh thần sảng khoái trở lại. Như vậy, mỗi SV có
thể có một thời điểm thích hợp khác nhau. Những yếu tố góp phần làm gia
tăng cảm hứng như âm nhạc hoặc đồ uống, nếu thực sự có tác dụng, cũng
nên được kết hợp.
SV đã thực sự khai thác được nguồn tài liệu tham khảo có giá trị?
Câu trả lời nhìn chung là chưa. Tài liệu tham khảo tốt là một công cụ
hỗ trợ cho SV khi thực hiện bất kỳ một đồ án kiến trúc công trình nào
trong suốt quá trình học tập tại trường. Nhiều SV chưa thực sự tự giác.
Nguồn tài liệu tham khảo ở đây không nhất thiết phải là những cuốn sách
dạng tuyển tập giới thiệu công trình của các KTS nổi tiếng (có giá lên
tới vài triệu đồng được bày bán trong các hiệu sách ngoại văn, vượt quá
khả năng chi trả của đa số SV), mà thực sự rất dễ tìm, không tốn chi phí
và lại vô cùng phong phú, rất nhiều trong số đó có chất lượng thiết kế
tốt, rất đáng để tham khảo. Có hai cách học mà SV nếu thực hiện được với
tinh thần cầu tiến thì sẽ rất hữu ích cho bản thân:
– Tham quan các công trình thực tế đã được xây dựng, quan sát thật kỹ
các không gian, một số thủ pháp thiết kế mặt bằng cũng như tạo hình mà
KTS đã sử dụng, đi đôi với việc tìm kiếm các bản vẽ tương ứng từ nhiều
nguồn khác nhau. Nếu vì một lý do nào đó không tiếp cận được các bản vẽ
này, SV có thể vẽ ghi lại. SV cần tự chủ động lập nhóm để đi tham quan
công trình thực tế, có hoặc không có GV đi cùng. Bộ môn cũng như Khoa
sẵn sàng viết giấy giới thiệu cho SV, và GV bằng mối quan hệ cá nhân của
mình có thể liên lạc với Ban Quản lý để họ tạo điều kiện cho SV tiếp
cận. Các chuyến tham quan xuyên Việt hoặc chương trình học hè (summer
school) mà Khoa Kiến trúc và Quy hoạch đang duy trì với một số đối tác
cũng là cơ hội tốt cho SV học hỏi từ thực tế;
– Các nguồn học liệu mở. Các trang web nổi tiếng về kiến trúc như
www.archdaily.com hay wwww.worldarchitecture.net là những địa chỉ mà SV
nên truy cập thường xuyên để xem các công trình mới liên tục được giới
thiệu. Kienviet.net cũng là một kênh tham khảo mà SV nên lựa chọn. Bên
cạnh đó, các KTS nổi tiếng trên thế giới như Tadao Ando, Ken Yeang,
Christian de Portzamparc, Santiago Calatrava, Norman Foster, Renzo
Piano, Daniel Libeskind, Glenn Murcutt,… đều có công ty tư vấn kiến trúc
riêng. Trong nước, nhiều SV cũng đã biết đến các văn phòng thiết kế có
uy tín như 1+1>2, TT-As, H&P Architects,… Các công ty kiến trúc
và văn phòng thiết kế nói trên đều xây dựng và vận hành các trang web để
giới thiệu và giao dịch, bao giờ cũng có mục DỰ ÁN (PROJECTS) được cập
nhật thường xuyên và sắp xếp theo theo thể loại công trình, hoặc theo
năm, hoặc theo quốc gia – khu vực, … SV hoàn toàn có thể truy cập các
trang web này, tải về và lưu trữ các công trình tiêu biểu để nghiên cứu –
Chỉ có một số ít trường hợp vì lý do bản quyền, việc tải về không thực
hiện được nhưng vẫn có thể in ra hoặc chụp ảnh lại để tìm hiểu kỹ hơn.
Những dự án đã được giới thiệu và xây dựng đều là các bản thiết kế đã
được thẩm định kỹ trước khi nhận giấy phép xây dựng nên đều có tính hợp
lý và khả thi. Mỗi SV đều có thể tự tìm kiếm và lưu trữ thành một bộ sưu
tập riêng để phục vụ cho mục đích học tập, tự nghiên cứu. Ngoài ra, SV
còn có thể trao đổi chéo tài liệu thiết kế và hỏi GV nếu có bất cứ điểm
gì chưa hiểu rõ để được giải đáp. Điều quan trọng là SV tự nghiên cứu,
phân loại, so sánh các công trình cùng thể loại với nhau, tự lý giải,
cảm thụ và cuối cũng rút ra những bài học cần thiết để vận dụng vào đồ
án – Bởi vì, xét cho cùng, việc làm đồ án trong trường đại học là quá
trình SV tự tìm tòi và học hỏi. Việc học hỏi từ thực tế vốn rất đa dạng
và sinh động luôn là cách học đồ án tốt, đem lại hiệu quả cao.
Kết luận
Bảy tuần làm một đồ án kiến trúc công trình công cộng theo chương
trình đào tạo hiện nay tại Đại học Xây dựng là một thời gian tương đối
ngắn và yêu cầu khá cao, tạo nên một áp lực học tập không hề nhỏ cho SV,
song đó cũng là những thử thách mà mỗi SV cần phải vượt qua để sau này
có thể đứng vững trong môi trường lao động có tính cạnh tranh thời kỳ
hội nhập và toàn cầu hóa. SV hoàn toàn có thể đạt kết quả tốt môn đồ án
nếu hội tụ đầy đủ các điều kiện như đề bài hay và thiết thực, môi trường
học tập khơi dậy đam mê sáng tạo, GV hướng dẫn có trình độ và tâm
huyết, tài liệu tham khảo sẵn có, … Tuy nhiên, bản thân SV – đối tượng
trung tâm của quá trình đào tạo – phải nỗ lực phấn đấu là chính, trong
đó phương pháp tư duy thật sự khoa học đóng vai trò quyết định. Bài viết
này như một gợi ý nhỏ giúp SV nhanh chóng vượt qua được những khó khăn
có thể gặp phải trong hai hoặc ba tuần đầu tiên và tập trung vào quãng
thời gian còn lại để có được một đồ án thật sự chất lượng.
TS. KTS Nguyễn Quang Minh