Với đặc
tính sáng tạo của sự kết hợp khoa học – nghệ thuật, việc dạy, học và làm
kiến trúc là một quá trình bền bỉ, đòi hỏi mỗi người (cả thầy, trò và
các KTS) luôn phải tự hoàn thiện và nuôi dưỡng “ngọn lửa sáng tạo” khi
theo đuổi nghề kiến trúc. Tháng 10/2017, lần đầu tiên CLB các trường đào
tạo KTS tổ chức Khóa tập huấn “Sáng tạo trong dạy và học kiến trúc”.
Tạp chí Kiến trúc đã có những cuộc trò chuyện ngắn với các KTS, thầy
giáo, đơn vị tư vấn và các bạn sinh viên xung quanh chủ đề dạy học và
làm nghề kiến trúc trong thời kỳ hội nhập. Trân trọng giới thiệu cùng
bạn đọc.
Trong bối cảnh môi trường làm nghề kiến trúc vốn nhiều khó khăn và thách thức, nhiều năm qua, Hội KTS Việt Nam
đã nỗ lực với nhiều hoạt động kết nối các cơ sở đào tạo với nhiều hoạt
động thiết thực: Tổ chức Liên hoan SV Kiến trúc toàn quốc (02 năm/lần);
tổ chức Giải thưởng Loa Thành hàng năm, tuyển chọn đồ án tốt nghiệp xuất
sắc của SV các trường; tổ chức các cuột thi cho SV và các KTS trẻ… Đặc
biệt, năm 2016, Hội KTS Việt Nam đã thành lập CLB các trường Đào tạo KTS
với phạm vi hoạt động trên toàn quốc, kết nối quan hệ hợp tác, trao đổi
nghề nghiệp với các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới – Hướng
tới việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực và chất lượng
đào tạo KTS. Hoạt động của CLB Đào tạo KTS được giới nghề đánh giá cao
và được xem là một trong những giải pháp tích cực góp phần nâng cao chất
lượng đào tạo KTS…
Sinh viên kiến trúc và những khó khăn trong việc học nghề
Lê Thế Việt Hoàng – 59 KDE ĐH Xây dựng:
Những thay đổi trong quá trình giảng dạy và đào tạo chuyên ngành kiến
trúc tuy có tích cực nhưng vẫn cần được bổ sung và đẩy mạnh hơn nữa. Về
những mặt tích cực, có thể nhận thấy sự thay đổi trong dạy và học kiến
trúc theo hướng khuyến khích SV tự quan sát, tự nghiên cứu. GV chú trọng
hướng dẫn nguyên tắc và định hướng cho SV. Tuy nhiên, việc đổi mới
phương pháp dạy và học vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp xu hướng của
thời đại. Không thể phủ nhận rằng hệ thống đồ án của trường ĐH Xây dựng
– trường đào tạo KTS hàng đầu trên cả nước, vẫn không khác là bao so
với 40 năm về trước. Kiến thức mới trong giáo trình chưa được cập nhật,
GV cũng ít khi gợi ý các nguồn tài liệu cho SV tự tìm hiểu trên
internet. Ngoài ra, tính thực tế trong đồ án chưa cao. Cần thiết phải có
những mô hình kết hợp học tập và thực tập ngay trong trường đào tạo sao
cho SV có thể nắm bắt các kỹ năng cần thiết và có thể đi làm ngay khi
mới tốt nghiệp.
Phạm Công Định – SV năm cuối ĐH Văn Lang- TPHCM:
Theo cá nhân tôi nhận thấy, thời gian học các giữa các môn lý thuyết và
môn đồ án chưa thật sự hợp lý gây khó khăn cho việc học và sửa bài. Thời
gian sửa bài quá ngắn, gây khó khăn cho việc truyền dạy kiến thức cũng
như tiếp nhận thông tin để hoàn thành đồ án. Mỗi đồ án được đưa ra đều
có những cái hay nhưng lại chưa có điều kiện để SV có thể tham khảo công
trình thực tế bên ngoài, vì vậy rất mong nhà trường tạo điều kiện tham
quan để SV có thể tìm hiểu sâu vấn đề một cách dễ dàng hơn. Đối với môn
lý thuyết, nhiều môn chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn, cần có thêm điều
kiện thực hành, tạo các hoạt động nhóm thú vị, như làm mô hình, lồng
ghép vấn đề thực tế. Đối với tôi, việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu, tôi
nhận được nhiều kinh nghiệm cũng như cách làm việc từ thầy cô và các KTS
đàn anh đi trước.
Phạm Thu Thủy – Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TP HCM tháng 8/2017:
Ra trường và đối diện với thực tế phũ phàng! Tôi và nhiều bạn khác
hoang mang với những yêu cầu của nhà tuyển dụng về trình độ chuyên môn,
kỹ năng mềm, kỹ năng sử dụng phầm mềm và ngoại ngữ. Việc
học “chay”, không có môi trường thực tế để thực hành là một trong những
bất cập lớn nhất hiện giờ trong việc dạy và học nghề kiến trúc. SV buộc
phải tự xoay sở tìm cơ hội thực tập trong khi các nhà tuyển dụng lại yêu
cầu về kinh nghiệm làm nghề. Đó thực sự là khó khăn nhất của chúng tôi.
Nếu có thể, nhà trường cần bổ sung các môn thực tập bắt buộc với ngành
Kiến trúc để SV va chạm thực tế nhiều hơn và từ đó sẽ có sự điều chỉnh
thích hợp trong quá trình thực tập. Năm 2, 3, SV đã có thể tham gia làm
mô hình và vẽ phác thảo cho các công ty kiến trúc hoặc studio. Đến năm
4, 5, SV cần hiểu rõ kỹ thuật chuyên môn và thực tế hơn có thể tham gia
các công ty lớn hơn có liên quan tới thi công, triển khai… Điều này
không những hoàn thiện từ mặt tư duy, sáng tạo có ý thức mà còn tăng khả
năng thích ứng của những KTS trẻ chúng tôi, để có thể tiệm cận nhu cầu
của các nhà tuyển dụng.
Đào Duy Tùng – 58KDF – Đại học Xây dựng:
Trong quá trình học ở trường, nhiều môn học về kĩ thuật mang tính lý
thuyết nhiều hơn thực tế, không có sự bổ trợ giữa các môn kĩ thuật vào
đồ án, hoặc các môn có bổ trợ thì học khá muộn, không liền mạch khiến SV
khó khăn hơn trong quá trình làm đồ án. Nhiều SV làm việc
tại các văn phòng kiến trúc thường bị áp lực về khối lượng công việc,
hoặc bị nhàm chán do công việc không có sự sáng tạo mà làm kiểu công
nghiệp dập khuôn, nên việc thực hành không mấy hiệu quả. Tôi cho rằng SV
cần phải chủ động lựa chọn hướng đi của bản thân: Nghiên cứu, thiết kế
hay thi công… để tìm được những môi trường phù hợp giúp phát triển bản
thân được tốt nhất. Nhà trường nên tìm các phương pháp học tập đa dạng
hơn và có thể thực thể hóa để SV có thể tiếp thu dễ dàng.
Cao Duy Khánh – Nguyễn Văn Dũng – 13K7 ĐH Kiến trúc Hà Nội:
Do môi trường làm việc chưa thực sự thuận lợi nên SV kiến trúc rất khó
để sáng tác và khai thác được tối đa những điều được học. Bên
cạnh đó, kiến thức trong nhà trường và thực tế lệch nhau quá nhiều, gần
như SV phải trải qua một quá trình học lại từ đầu, điều này gây lãng
phí thời gian cũng như công sức học tập của các bạn khi còn ngồi trên
ghế nhà trường cũng như lúc đi làm. Để khắc phục những hạn chế, theo tôi
các môn học chuyên ngành, đặc biệt là đồ án cần đưa ra nhiều trích dẫn
thực tế hơn. Việc học đồ án cũng cần phải phối hợp hướng dẫn của tất cả
các bộ môn như Kết cấu, Điện nước, … và cần có nhiều hơn những chuyên đề
hàng tuần để bổ trợ cũng như nâng cao kiến thức.
Đào tạo KTS – Cần sự đổi mới mạnh mẽ
TS.KTS Nguyễn Quang Minh – Bộ môn Kiến trúc Dân dụng – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐH Xây dựng: Trước
khi đổi mới toàn diện chương trình đào tạo đồ án kiến trúc theo mô hình
tiên tiến của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới,
chúng ta cần khắc phục những nhược điểm đang tồn tại của mình trước. GV
đóng vai trò quan trọng nhưng SV – đối tượng trung tâm của quá trình
đào tạo – mới chính là nhân tố tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ được trông đợi
từ lâu.
GV là người gợi mở hướng đi cho SV, truyền cảm hứng sáng tác, tư vấn
giúp SV đưa ra sự lựa chọn chính xác ý tưởng để phát triển trong đồ án.
Vấn đề còn lại do vậy hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và thái độ học tập
của SV. Ngày nay, yêu cầu đặt ra đối với đồ án trong nhà trường và dự án
ngoài xã hội cao hơn, thậm chí khắt khe hơn. Nhưng bù lại, SV có nhiều
điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với cách đây 20 năm, khi tôi còn là SV
Như vậy, chìa khóa thành công hoàn toàn do SV nắm giữ. Bên cạnh sự sáng
tạo có được từ việc khổ luyện và thái độ cầu tiến của mỗi cá nhân hình
thành nên ý thức, phương pháp làm việc cũng hết sức quan trọng và nếu
được khơi thông càng sớm thì càng có lợi.
ThS. KTS. Nguyễn Thị Kim Tú – Khoa Kiến trúc- Đại học Kiến trúc TPHCM: Cần
nhanh chóng có sự đổi mới trong đào tạo KTS thời kỳ hội nhập, quan
trọng nhất là đổi mới chương trình học với chuẩn đầu ra phải căn cứ từ
thực tế khách quan và yêu cầu xã hội, đáp ứng đặc thù riêng của
từng khu vực. Điều này sẽ phân tầng các cơ sở đào tạo
KTS cũng như xác định yếu tố nhận dạng đặc thù về phẩm chất “sản phẩm
đầu ra” riêng của từng trường. Nội dung chương trình cần được xây dựng
triển khai theo hướng mở, cho phép cập nhật thường xuyên. Chú trọng bồi
dưỡng cho SV phương pháp tự học trong việc tiếp thu kiến thức chuyên môn
tích hợp với nhiều kỹ năng khác như: Giao tiếp, làm việc nhóm; phân
tích, xử lý thông tin; trình bày vấn đề; trình độ tin học và ngoại ngữ….
Chúng ta có thể tham khảo một cách chọn lọc kinh nghiệm những nước có
nền giáo dục phát triển, phù hợp với hoàn cảnh của mình. Với môn học đồ
án kiến trúc, cần đặt ra những nhiệm vụ thiết kế gắn với bối cảnh cụ thể
trong thực tế; rèn luyện cho SV khả năng phân tích, đánh giá, xử lý vấn
đề để thiết lập các cơ sở hình thành ý tưởng đưa đến giải pháp thiết
kế. Kiến thức về môi trường và phát triển bền vững cũng cần được cập
nhật, lồng ghép phù hợp vào yêu cầu thiết kế trong các đồ án kiến trúc
cho sinh viên. Chương trình và giáo trình cần hướng đến việc tiêu chuẩn
hoá, được quốc tế công nhận để bằng cấp của SV khi ra trường dễ dàng hội
nhập vào môi trường toàn cầu hóa.
ThS. KTS Đinh Trần Gia Hưng – ĐH Kiến trúc TPHCM: Việc
thay đổi cách thức đào tạo cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa người dạy và
người học. Mong muốn của các doanh nghiệp hiện nay là tuyển dụng được
các nhân sự vừa mới tốt nghiệp ra trường nhưng có thể đáp ứng công việc
ngay, không tốn thời gian đào tạo lại. Điều này ảnh hưởng
khá nhiều tới mục tiêu đào tạo ở trường ĐH. Cụ thể như sau: Thay vì tập
trung quá nhiều thời gian vào các kiến thức hàn lâm, có những kiến thức
đã lạc hậu, việc đào tạo cần bám sát nhiều hơn vào thực tế. Cần cung cấp
cho SV những kiến thức chuyên sâu hơn. Việc giúp SV nắm bắt các kiến
thức mới là rất cần thiết để tăng cơ hội hội nhập với môi trường làm
việc theo chuẩn quốc tế.
Phương pháp giảng dạy truyền thống thầy dạy trò ngồi ghi chép không
còn phù hợp với hiện nay. Các tiết học cần có thêm các hoạt động để SV
chủ động hơn trong bài học của mình. Các hoạt động thực hành theo nhóm
liên quan với nghề sẽ giúp cho SV hiểu rõ hơn về môi trường và công việc
của mình sau này. Thiết kế là công việc làm việc theo tập thể chứ không
phải từng cá nhân đơn lẻ, là sản phẩm dung hòa giữa cái tôi của người
thiết kế với các khách hàng xung quanh mình. Những va chạm trong các
hoạt động nhóm sẽ giúp SV hiểu được đặc thù này của nghề và xây dựng bản
lĩnh cho từng người.
Khi bước ra khỏi giảng đường đại học mỗi KTS mang theo trên người
không phải là bằng cấp loại gì, hay điểm số bao nhiêu – Điều cần thiết
là mỗi người đã chuẩn bị hành trang gì để tiếp cận với nghề. Mọi người
sẽ cùng một điểm xuất phát nhưng ai chuẩn bị hành trang chu đáo hơn
người đó sẽ tiến nhanh hơn và đi xa hơn.
Hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – đáp ứng hội nhập
ThS.KTS Nguyễn Thu Phong – Giám đốc Công ty Nhà Vui: Sự
tham gia của các doanh nghiệp – nơi sử dụng các sản phẩm đào tạo chuyên
ngành kiến trúc, xây dựng được xem như giải pháp giúp giảm bớt khoảng
cách giữa đào tạo và hành nghề thực tế. Đa phần SV ra
trường rất thiếu kiến thức thực tế, xin đến tập sự tại các văn phòng tư
vấn mà gần như phải đào tạo lại từ đầu, từ những điều cơ bản trong quy
trình thiết kế. Trong khi đó, các KTS nước ngoài lại có thể nhập cuộc
nhanh hơn khi mới ra trường. Đó thực sự là điều đáng suy nghĩ đối với
các thày cô và những ai tâm huyết với nền kiến trúc nước nhà.
KTS Đỗ Hữu Nghị – Chủ tịch Hội KTS Ninh Thuận: Việc
cần làm ngay là rà soát lại những môn học không thực sự cần thiết –
Hướng tới đào tạo theo nhu cầu xã hội, tiếp cận những môn học mới, công
nghệ mới, vật liệu mới, phục vụ nhu cầu thiết kế thực tế. Không
thể phủ nhận thực tế là KTS trẻ thiếu tư duy về pháp luật, quản lý nhà
nước, ít nhất là quản lý nhà nước về chuyên ngành. Chính vì thế, các
trường cần cho SV tiếp cận thực tế nhiều hơn. Tôi rất ủng hộ phương pháp
đào tạo cho SV thực hành qua các workshop. Qua đây, tôi cũng xin có ý
kiến rằng: Ninh Thuận sẵn sàng tiếp nhận SV đến làm đồ án thực tế tại
địa phương, nếu đồ án có ý tưởng tốt, Ninh Thuận sẽ đề xuất lãnh đạo
tham khảo và ứng dụng thực tế.
KTS Cổ Minh Tâm – TPHCM: Việc đào tạo nặng tính hình thức gây thiệt thòi cho SV mới ra trường với nhiều lỗ hổng kiến thức và kinh nghiệm.
Các văn phòng thiết kế bậc trung trở lên thường có những người đảm
trách từng mảng chuyên môn. Những văn phòng nhỏ, KTS buộc phải đảm nhận
thêm những mảng thủ tục ngoài thiết kế thì việc tuyển KTS làm việc đúng
yêu cầu càng khó khăn. Nhưng điểm chung là hầu hết các công ty buộc phải
đào tạo lại các KTS mới ra trường cho phù hợp công việc cụ thể. Kỹ năng
khai triển thiết kế kỹ thuật thường là điểm yếu ở các KTS mới ra
trường, là hậu quả từ những đồ án có tính trình diễn ở trường. Cách đào
tạo của nhà trường đa phần là xa rời thực tế. Số lượng SV hàng năm ồ ạt
ra trường, lại quá tập trung tại các thành phố lớn làm phức tạp hóa tình
hình xã hội nói chung (thất nghiệp, làm việc trái nghề) và ảnh hưởng
chất lượng xây dựng nói riêng (làm ăn chụp giựt, phá giá, xây nhà chất
lượng kém). Thực trạng dạy và học đã nêu dù chưa đầy đủ cũng đã cho thấy
là một hậu quả tích lũy từ hàng chục năm chứ không phải do ngày một
ngày hai mà có. Những biện pháp qua các quy định hiện nay chỉ là phần
ngọn như đem dầu chữa cháy.
KTS Đoàn Kỳ Thanh – Giám đốc Công ty Kiến trúc Avant: Có
một thực tế ít được thừa nhận – Đó là việc tuyển sinh ngành kiến trúc
đang ngày càng khó khăn. Phải chăng sức hấp dẫn của nghề kiến trúc ngày
càng giảm? – Thực tế là với lượng lớn các cơ sở đào tạo
chuyên ngành như hiện nay, với các KTS trẻ ồ ạt ra trường như hiện nay
thì thị trường lao động đang bão hòa nhu cầu với nghề kiến trúc. Vì vậy,
cơ hội của SV Kiến trúc ngày càng ít, vị trí của KTS trong xã hội không
còn được đề cao, cơ hội việc làm của họ cũng giảm. Mặt khác, các VP tư
vấn than phiền là KTS trẻ mới ra trường không đáp ứng được công việc
thực tế, các doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung nhiều kỹ năng để họ làm
việc. Các trường đào tạo cần đổi mới chương trình đào tạo theo nhu cầu
của thực tế, nghề kiến trúc cần những kỹ năng gì, được thực hiện như thế
nào… để tiết kiệm các nguồn lực của xã hội, thời gian, công sức của GV,
SV…
TS Nguyễn Thành Nam – CEO Công ty FPT:
Các trường Đào tạo Kiến trúc vẫn cho rằng đào tạo tầng lớp tinh hoa,
nhưng tôi cho rằng cần phổ cập việc đào tạo kiến trúc, sao cho ai cũng
có thể làm được nhà, có thể tự học được kiến trúc. Nghĩa
là cần “nâng sàn” nhận thức về kiến trúc trong xã hội. Và, điều quan
trọng là mỗi cơ sở đào tạo cần trang bị “vũ khí” – hành trang cho SV của
mình, sản phẩm đào tạo của mình để tạo sự khác biệt.
KTS Nguyễn Đức Hiệp – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và QLDA PAC: Quá trình đào tạo KTS còn nhiều bất cập. Trên ghế nhà trường, các em SV không có nhiều cơ hội để thu nạp kiến thức thực tế.
Các em cũng không có cơ hội để bộc lộ, khẳng định năng lực của mình.
Tôi cho rằng đây là bước cần thiết để phân loại KTS và định hướng nghề
nghiệp cho các em sau này. SV cần được đánh giá khả năng sau mỗi đồ án,
không chỉ qua điểm số để phân loại những em có thiên hướng sáng tạo cao,
hoặc khả năng xử lý các vấn đề kỹ thuật, công nghệ, hoặc lập luận chặt
chẽ, logic… Thậm chí ngay cả khi thi tuyển đầu vào cũng nên có những bài
test tư duy kiến trúc, tạo hình hoặc lập luận, khả nang hình dung không
gian, óc quan sát, khả năng đánh giá và cả khả năng bộc lộ cảm xúc –
một yếu tố không thể thiếu đối với những người làm nghệ thuật nói chung
và kiến trúc nói riêng. Nên tăng thêm đồ án kiến trúc, workshop và rèn
luyện những kỹ năng mềm như thuyết trình, ứng xử…Và cuối cùng là cần có
thời gian thực tế tại các môi trường hành nghề phù hợp với khả năng
trong suốt quá trình học chứ không chỉ trong thời điểm sát kỳ tốt
nghiệp.
KTS Nguyễn Bá Quyền – Phó Tổng Giám đốc Thiết Thạch Group: KTS là một ngành đặc thù kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật.
Ngoài sáng tạo ý tưởng thì vẫn phải gò mình vào các tính toán khô cứng
để cho ra các sản phẩm đạt sự cân bằng hoàn hảo. Nhiều người nghĩ KTS là
nghề hái ra tiền. Tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhìn bên ngoài. Tận sâu
bên trong KTS vẫn đang phải sống với cái tôi và chấp nhận thực tế khó
khăn khi chưa được bảo vệ sáng tạo của mình theo đúng giá trị. Đâu đó
vẫn còn rất rất nhiều những thiết kế giá rẻ, thiết kế miễn phí và thậm
chí bị “xù” thiết kế.
Ra trường, SV kiến trúc có 3 lựa chọn:
- Tự làm riêng: Khá phổ biến với các bạn có đam mê và cái “tôi” mạnh.
Tuy nhiên các bạn phải trải qua nhiều khó khăn trong thu nhập và đường
lối phát triển bản thân;
- Làm việc tại các văn phòng thiết kế: Phần lớn sau khi ra trường KTS
sẽ chọn con đường này để học hỏi và phát triển nghề nghiệp sau này;
- Làm chủ một doanh nghiệp thiết kế – xây dựng: Có câu nói “Để có một
nhà quản trị giỏi thì mất một KTS giỏi”. Để có thể hài hòa giữa công tác
thiết kế và quản trị là rất khó.
Là một KTS và cũng là nhà tuyển dụng tôi nghĩ SV kiến trúc nên nhìn
nhận về nghề một cách đam mê và gần gũi hơn với chính năng lực của mình.
Xác định nghề chọn mình và làm nghề với trách nhiệm cao nhất dành cho
cộng đồng. Sau nữa, KTS còn mang trách nhiệm những con người duy trì,
phát triển nền kiến trúc Việt Nam.
KTS Nguyễn Trường Linh – Giám đốc VPKT4 – VNCC: Theo tôi, để nâng cao chất lượng đào tạo cần các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, cụ thể là:
- Phải có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp để trao đổi, cùng
đào tạo bổ sung với các chủ đề và giáo trình do doanh nghiệp soạn, tạo
điều kiện cho SV đến thực hành tại doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp tham gia một phần trong công tác hướng dẫn đồ án để
giảng giải và truyền đạt cho SV những góc nhìn thực tế, tiếp cận quy
trình làm việc chuyên nghiệp;
- Tổ chức cho SV tham quan các DN để hiểu các mô hình làm việc, các sản phẩm thực tế mà DN đang triển khai.
Theo TCKT
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 8/2017)