Home Tin tức Hoạt động của bộ môn
Workshop quốc tế “Thiết kế cảnh quan và sân chơi trường mẫu giáo Lệ Xá – Hưng Yên”

By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 18/1/2018

“Cộng đồng yếu thế” hiện nay luôn là đối tượng được đặc biệt quan tâm và chú trọng trong các hoạt động hỗ trợ phát triển của các tổ chức và toàn xã hội. Tổ chức phi chính phủ World Vision và tập đoàn CapitaLand Việt Nam là hai đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ các cộng đồng yếu thế ở một số tỉnh thành phía Bắc, trong đó có tỉnh Hưng Yên, đã kết hợp với Khoa Kiến trúc và Quy hoạch của Đại học Xây dựng cùng Khoa Kiến trúc và Thiết kế Bền vững của Đại học Kỹ thuật và Thiết kế Singapore tổ chức một Xưởng thiết kế kiến trúc với mục đích cung cấp cho trẻ em làng Lệ Xá thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên một môi trường học tập và không gian vui chơi có chất lượng cao hơn, đáp ứng các tiêu chí lành mạnh, an toàn và sáng tạo.

 

Bảng thông báo hoạt động của Xưởng Thiết kế Việt Nam – Singapore  

 

Xưởng thiết kế này có được trước kết phải kể đến vai trò kết nối của TS. KTS Tô Kiên, nguyên giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học Xây dựng từng có thời gian làm việc tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore.

Là hoạt động đối ngoại đầu tiên trong năm 2018 của Khoa Kiến trúc và Quy hoạch do Bộ môn Kiến trúc Dân dụng khởi xướng và đóng vai trò chính trong tổ chức, Xưởng thiết kế  “Thiết kế Cảnh quan và sân chơi trường mẫu giáo Lệ Xá – Hưng Yên” là cơ hội học tập và thực hành rất tốt cho sinh viên trong Khoa khi có dịp làm việc với giảng viên và sinh viên đến từ một cơ sở đào tạo rất có uy tín của Singapore cũng như của Châu Á. Kết quả đầu ra – một sân chơi tương xứng với một nhà trẻ khang trang đã được đầu tư xây dựng trước đó – sẽ là một món quà tuyệt vời dành tặng cho các trẻ em và cô giáo mầm non làng Lệ Xá, đóng góp thiết thực vì sự phát triển bền vững hơn cho cộng đồng địa phương hiện còn gặp khá nhiều khó khăn. Đó thực sự là hoạt động có ý nghĩa lớn không chỉ đối với các sinh viên hai trường mà còn cả cho những giảng viên tham gia hướng dẫn. Xưởng thiết kế đã tập trung làm việc trong tám ngày từ 09/01 đến 16/01/2018.

 

Buổi khai mạc sáng thứ ba ngày 09/01 có ba bài giảng chuyên đề của ba giảng viên thuộc hai Khoa Kiến trúc của hai trường có liên quan đến chủ đề thiết kế. Bài giảng “Văn hóa làng xã và truyền thống ở vùng nông thôn Việt Nam” do PGS. TS. Phạm Hùng Cường trình bày đã cung cấp cho sinh viên, nhất là sinh viên Singapore, những kiến thức tổng quan về sự hình thành và phát triển của làng xã – một đơn vị cư trú kết hợp sản xuất và sinh hoạt văn hóa tinh thần rất cơ bản của nông thôn Việt Nam và những biến đổi của không gian kiến trúc – cảnh quan cũng như văn hóa làng xã trong thời kỳ đô thị hóa mạnh mẽ. Trong khi đó, Giảng viên Hoàng Thúc Hào, người đã từng được trao rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước về thiết kế các công trình mang tính xã hội cao, tập trung vào khía cạnh kiến trúc hướng tới đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người sử dụng, nhất là các cộng đồng yếu thế trong xã hội, do đó mang tính nhân văn rất cao, đồng thời cũng giới thiệu triết lý thiết kế đã được định hình trong một vài năm gần đây mà bản thân kiến trúc sư đã trăn trở và đúc kết qua thực tiễn hành nghề của bản thân cùng các cộng sự qua bài giảng “Kiến trúc Ngạc nhiên Bền vững”. Đến từ trường đối tác, TS. Chong Keng Hua – trưởng đoàn Singapore – giới thiệu phương pháp tiến hành nghiên cứu những dự án xã hội – cộng đồng đã từng triển khai ở Singapore qua bài thuyết trình “Phương pháp tiếp cận thiết kế các dự án cộng đồng”. Đó là những kiến thức quan trọng và rất bổ ích cho sinh viên. Sau ba bài giảng là mục trao đổi rất sôi nổi của các chuyên gia, giảng viên, kiến trúc sư và cả sinh viên. Những câu hỏi và phần giải đáp đều xoay quanh vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng một số mô hình trong thiết kế thực tiễn gắn với sự phát triển xã hội và phục vụ cộng đồng. Buổi chiều ngày 09/01, sinh viên hai trường làm quen và chia nhóm, sau đó từng nhóm phân công công việc cụ thể theo từng ngày.

 

Sáng ngày 10/01, 14 sinh viên Đại học Xây dựng và 12 sinh viên Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore được bốn giảng viên dẫn đoàn đã đến Lệ Xá, gặp gỡ đại diện Ủy ban Nhân dân xã, các cô giáo trường mầm non và đặc biệt là tiếp xúc với các trẻ em đang theo học tại đây – đối tượng thụ hưởng chính của Xưởng Thiết kế, cũng như  đại diện ban phụ huynh. Với đề bài tưởng chừng như đơn giản “Thiết kế Cảnh quan và sân chơi trường mầm non Lệ Xá – Hưng Yên” nhưng với yêu cầu để triển khai thành một dự án thực tế và sẽ được xây dựng vào tháng 05/2018 tới đây, sinh viên hai trường đã có cơ hội phát triển tư duy sáng tạo và vận dụng những kiến thức đã tích lũy để triển khai công việc một cách khoa học nhất, đạt chất lượng tốt nhất, mang tính khả thi cao nhất, phù hợp nhất với điều kiện thực tế và đáp ứng tối đa nguyện vọng của cô và trò. Hai mươi sáu sinh viên được chia thành bốn nhóm để triển khai bốn hạng mục khác nhau là: 1. khảo sát và phân tích hiện trạng của Trường Mầm non, 2. Khảo sát khu dân cư xung quanh về mặt môi trường, 3. Phỏng vấn, trao đổi với cộng đồng, giáo viên và phụ huynh để tìm hiểu nguyện vọng của người dân cũng như ghi nhận những ý kiến đề xuất và 4. Đo đạc, ghi chép điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại địa phương. Những phương pháp tiếp cận trong thiết kế trường học từ Đại học Kỹ thuật và Thiết kế Singapore được các nhóm vận dụng có hiệu quả.

 

Chuyến khảo sát tại Trường Mầm non Lệ Xá ngày 10/01/2018 (Ảnh: Dr.Chong Keng Hua)

 

Trong 2 ngày 11/01 và 12/01, các nhóm sinh viên và các giáo viên hướng dẫn đã chuyển hóa những thông tin thu thập được từ địa điểm xây dựng thành những phương án sơ bộ. Với tinh thần cầu thị và nghiêm túc, những giải pháp thiết kế ấn tượng, chứng minh được tính thích ứng với trẻ em và mang tính xã hội cao đã được đề xuất thành những bản vẽ và mô hình khá cụ thể, bám sát yêu cầu của đề bài để báo cáo với chính quyền và cộng đồng tại xã Lệ Xá vào ngày 13/01. Kết quả của hai ngày làm việc theo xưởng này là các sinh viên đã thực sự có được những kinh nghiệm truyền tải  ý tưởng thiết kế ban đầu thành một công trình thực sự khi thiết kế với một số điều kiện hạn chế từ địa điểm, môi trường tự nhiên và kỹ thuật xây dựng.

 

Sinh viên làm việc theo nhóm trên xưởng thiết kế (Ảnh: Dr.Chong Keng Hua)

Ngày 13/01, toàn đoàn đã quay lại Lệ Xá và có buổi báo cáo phương án sơ bộ ngay tại trường mầm non với sự có mặt và tham gia đóng góp ý kiến của đại diện Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Ban Giám hiệu Nhà trường, đại diện Ban Phụ huynh cùng các chuyên gia đến từ CapitaLand Việt Nam. Mỗi phương án mang một phong cách và ý tưởng khác nhau nhưng đều đem đến sự thích thú cho Hội đồng đánh giá. Điểm chung giữa các phương án là khai thác tối đa đặc điểm của hiện trạng để phát triển các không gian vui chơi và học tập cho trẻ. Trong đó, phương án được Hội đồng đánh giá cao nhất là sử dụng các loại rau và cây ăn quả để đưa vào thiết kế cảnh quan sân trường. Bên cạnh đó, phương án cũng nêu bật được tính giáo dục truyền thống của thế hệ trước cho trẻ để trẻ hiểu hơn về lịch sử cũng như những câu chuyện mà các em được nghe trong những buổi học. Tổng kết buổi báo cáo, nhận thấy những ưu điểm của các phương án, Hội đồng đi đến quyết định đề xuất các nhóm cùng tận dụng những ưu điểm đó để cùng nhau xây dựng một phương án hoàn chỉnh hơn, đáp ứng đầy đủ các yếu tố mà các nhóm đã thu thập được tại buổi khảo sát đầu trước đó ba ngày.

 

Buổi báo cáo sơ bộ các phương án tại Trường Mầm non Lệ Xá ngày 13/01/2018 (Ảnh:Dr.Chong Keng Hua)

 

Tổng hợp ý kiến đóng góp từ Hội đồng, sau hơn hai ngày làm việc miệt mài từ sáng đến tối, các nhóm sinh viên đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất tìm ra một phương án cuối cùng thể hiện đầy đủ nhất những ý kiến góp ý của các bên,. Ngày cuối cùng 16/01, các nhóm sinh viên đã cùng nhau trình bày phương án hoàn thiện trước Hội đồng tại trường Đại học Xây dựng.

 

Phương án được trình bày lấy ý tưởng từ các đường hầm trong chiến tranh được mô phỏng thành những đoạn ống được ngắt ở những vị trí thích hợp để trẻ có thể vận động dễ dàng theo ý thích dọc chuỗi ba không gian liên hoàn chủ đề Biển – Rừng – Bầu Trời, tận dụng khoảng tường xây ngăn cách Trường Mầm non và Trạm Y tế xã bên cạnh để làm phông nền và tạo ra những trò chơi kết hợp cả vận động thể chất lẫn phát triển trí tuệ cho trẻ, với những khoảng không gian có mái che dẫn từ cổng vào đến sát trường và cây xanh tỏa bóng mát. Khoảng sân trung tâm được thiết kế với hai mảng gạch lát hình tròn, gắn kết khu vui chơi với vườn rau, nơi trẻ có thể quan sát thực vật sinh trưởng. Không gian xanh còn được dẫn vào trong công trình, tận dụng mảng tường phía trước làm giàn dây leo, gầm cầu thang và hành lang cũng có chậu hoa, cây cảnh và hình vẽ trang trí bề mặt tường để có sự liên kết, chuyển tiếp, với những hình ngộ nghĩnh và màu sắc tươi sáng, hấp dẫn. Đây thực sự là một vườn cổ tích cho trẻ, giúp các em có được những giờ học mà chơi, chơi mà học thực sự thoải mái và đáng nhớ. Mỗi ngày đến trường của các em sẽ thực sự là một ngày vui.

 

Tuy còn tồn tại một vài vấn đề cần nghiên cứu thêm cho hoàn chỉnh, phương án cuối cùng này đã nhận được sự đồng thuận cao và thuyết phục được Hội đồng, đảm bảo cho trẻ em Lệ Xá sớm có một không gian học tập đầy đủ, an toàn, sáng tạo, năng động và hấp dẫn. Cuối buổi báo cáo, các nhóm sinh viên đã cùng đại diện chủ đầu tư Capital Land Việt Nam trao đổi về phương án và kế hoạch thi công thiết kế này vào tháng 05/2018.

 

Trao đổi phương án thiết kế trực tiếp trên mô hình

Như vậy, có thể coi Xưởng thiết kế đã thu được thành công như mong đợi của cả hai phía. Lễ bế mạc được đánh dấu bằng hoạt động trao chứng chỉ tham dự cho các sinh viên của cả hai trường và chụp ảnh lưu niệm cùng tất cả các đối tác. 

 

Sự thành công của Xưởng Thiết kế sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa hai Khoa Kiến trúc của hai trường: Đại học Xây dựng và Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore.



Lễ bế mạc Xưởng Thiết kế trong không khí phấn chấn vì kết quả thu được khả quan (Ảnh:Dr.Chong Keng Hua)



TS.KTS.Nguyễn Quang Minh - ThS.KTS.Lê Anh Vũ
Bộ môn Kiến trúc dân dụng - Đại học Xây dựng






Các đối tác

Kết nối