Home Tin tức Kiến trúc xây dựng
Về hiện tượng các nhà ở “Xanh” của công ty Võ Trọng Nghĩa Architects

By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 10/2/2018

Một trong những hiện tượng nổi bật trong bức tranh kiến trúc nhà ở giai đoạn 2010-2015 là một loạt nhà ở gia đình gắn với thương hiệu “Kiến trúc Xanh” của KTS Võ Trọng Nghĩa – trong đó một số công trình đã giành được các giải thưởng kiến trúc / bình chọn kiến trúc trong nước và quốc tế, được quảng bá rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gọi đó là những “hiện tượng”, vì trước đó Võ Trọng Nghĩa đã gắn tên mình với những công trình dịch vụ công cộng sử dụng vật liệu tre / tầm vông (mang thương hiệu Gió & Nước – Wind & Water, hay WnW), nay lại tiến công vào lĩnh vực nhà ở và không dùng “vũ khí” tre / tầm vông nữa. Gọi đó là “hiện tượng” cũng vì những nhà ở này đang khơi lên nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau trong giới chuyên môn cũng như trong dư luận XH – cả khen ngợi và phê phán – về những giải pháp không bình thường / không giống ai, đòi hỏi một sự nhìn nhận thật sự khách quan.

Có thể điểm qua những ngôi nhà như vậy – được giới thiệu trên website chính thức của Công ty Võ Trọng Nghĩa Architects (xếp theo trình tự thời gian):

Stacking Green (TP.HCM, tháng 02/2011):

Công trình được xây dựng trên lô đất 80 m2 (4m x 20m). Diện tích sàn 215 m2. Sử dụng cho gia đình 2 thế hệ, gồm 2 vợ chồng (<40 tuổi) + mẹ.

– Giải pháp: Mặt tiền và mặt hậu gồm những máng BTCT trồng cây nhỏ chạy ngang nối 2 tường biên, có lắp hệ thống tưới tự động dùng nước mưa (có bể chứa). Mái nhà trồng cỏ. Mục đích: Chống nắng nóng, chống ồn và ô nhiễm không khí từ đường phố.

– Thông gió tự nhiên qua các khe xanh trên mặt đứng và 2 giếng trời (giữa và sau nhà). Theo mô tả của nhà thiết kế thì hiệu quả thông gió tốt nên không cần dùng điều hòa không khí, chi phí điện năng chỉ ~25 USD/tháng (?).

GiaLai House (tháng 10/2011)

– Đặc điểm / tính chất: Nhà liền kề, lô đất 280m2, diện tích sàn 510 m2.

– Phía trước là khu vực đỗ xe rộng suốt mặt tiền 7m, ngăn cách giữa tiền sảnh và phòng khách với đường phố. Cấu trúc thông thường của “nhà ống” (nhưng kích thước tới 7m x 40m) được phá cách với vách kính ngăn giữa khoảng sân trong và phòng SHC (thông tầng, kiêm phòng ăn) chạy chéo góc từ trái sang phải, khiến cho 2 không gian này đều có hình tam giác. Tường dọc 2 bên được ốp các thanh đá granite xẻ dài 4m để phản xạ ánh sáng từ trên cao chiếu xuống hông nhà qua các lam chắn nắng trên mái.

Stone House (Hạ Long, tháng 02/2012)

– Đặc điểm / tính chất: Nhà ở độc lập (biệt thự), diện tích sàn 360 m2 (?)

– Mặt bằng có hình xuyến khép kín, bao quanh một sân trong hình Ovale. Mái trồng cỏ dốc dần từ tầng 1 lên tầng 2. Tường chịu lực xây bằng các viên đã xám / đen gia công nhẵn, dày 10 cm. Giao thông trong nhà bằng hành lang bên bao quanh sân trong.

Low-Cost House (Đồng Nai, tháng 8/2012)

– Đặc điểm / tính chất: Nhà ở cho người thu nhập thấp (công nhân), diện tích 18 m2 và 22,5 m2. Giá thành 3.200 USD/nhà.

– Tối giản hóa chức năng và trang thiết bị (không có WC, không ngăn chia không gian, giường có thể xếp lại cho gọn hoặc thành bàn viết), sử dụng vật liệu rẻ tiền để giảm giá nhà, chi phí vận hành thấp do dùng năng lượng tự nhiên.

Green Renovation (Hà Nội, tháng 02/2013)

– Đặc điểm / tính chất: Cải tạo nhà ở cũ, diện tích sàn 388 m2

– Tổ chức cây leo trên mặt đứng (bám theo hệ khung thay cho hoa sắt và hàng rào bảo vệ – tách khỏi mặt nhà) và vườn trên mái (trồng rau & cây xanh) để chống nắng và chống nóng. Green Fall – cây xanh chảy tràn từ trên mái xuống.

Bình Thạnh House (Tp.HCM, tháng 6/2013)

– Đặc điểm / tính chất: Nhà liền kề, diện tích sàn 516 m2. Vị trí gần sông Sài Gòn và Thảo cầm viên. Sử dụng cho gia đình “2 trong 1”: ông bà (>60 tuổi, theo lối sống truyền thống, ưa nắng gió thiên nhiên) và vợ chồng người con trai + cháu (theo lối sống hiện đại, ưa dùng các thiết bị như điều hòa không khí).

– Không gian sống kiểu hiện đại tương ứng với 3 tầng có lớp hoa BTCT ở mặt tiền (để chắn nắng và tiết kiệm năng lượng?), đan xen với không gian sống kiểu truyền thống là 2 tầng lắp vách kính có thể mở rộng (để đón nắng gió tự nhiên?).

S-House 2 (Long An, tháng 4/2014)

– Đặc điểm / tính chất: Nhà ở cho hộ gia đình thu nhập thấp (ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long), diện tích 33 m2 (4 gian). Phương châm: Nhẹ nhàng nhưng bền vững, lâu dài nhưng thích hợp, giá thành chỉ 4.000 USD/nhà.

– Mẫu S-House 1 dùng khung thép. Mẫu S-House 2 dùng khung BTCT tiền chế, vách bằng vật liệu địa phương (lá dừa nước làm vách, trần), mái lợp tấm Fibrocement (nhà ở vùng nhiều sông nước nên cần gọn & nhẹ để dễ dàng vận chuyển bằng ghe, thuyền).

– Hiện nay đang nghiên cứu mẫu nhà S-House 3 (~28 m2) với khung tiền chế bằng thép nhẹ, vách và mái dùng tấm đan bằng xi măng (hoặc vật liệu khác); các cấu kiện gọn nhẹ (<60 kg), có thể xếp trong một container tiêu chuẩn để vận chuyển; lắp dựng bộ khung trong vòng 3 giờ. Không có thông tin về giá thành.

House for Trees (TP.HCM, tháng 4/2014)

– Đặc điểm / tính chất: Nhà gồm 5 khối phòng hình hộp bằng BTCT tách rời nhau, trên khu đất diện tích 475 m2. Giá thành xây dựng: 155.000 USD (?). Chọn giải pháp bố cục phân tán vì trong gia đình có người bị tâm thần phân liệt(?).

– Trên mái đổ đất dày để trồng cây lớn – với mục đích giữ nước, chống ngập lụt khi có mưa (nếu áp dụng trên diện rộng), trả lại cây xanh cho đô thị (nhằm giải quyết vấn nạn đô thị quá thiếu cây xanh, không khí bị ô nhiễm vì khói bụi).

Vì những công trình này được tôn vinh, được quảng bá như một hạng mục “Kiến trúc xanh”, nên trước hết cần được nhìn nhận một cách khách quan theo các tiêu chí Kiến trúc xanh (của Hội KTS Việt Nam) / tiêu chí Công trình xanh (của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam – VGBC) và rộng hơn nữa là các tiêu chí của Kiến trúc bền vững (tính Bền vững về Sinh thái, về Văn hóa – Xã hội và về Kinh tế – Kỹ thuật). Có thể thấy các công trình đều sử dụng những nguyên tắc cơ bản và phổ biến của kiến trúc xanh (trồng cây / cỏ trên mái, chắn nắng cho mặt nhà và thông gió qua sân trong / giếng trời), nhưng có tác dụng đến mức nào thì chưa được kiểm chứng cụ thể. Một khía cạnh khác cần được đánh giá là khả năng ứng dụng các giải pháp này để đạt được hiệu quả lớn hơn, trên phạm vi rộng hơn, cho cộng đồng và toàn xã hội – nhất là với các tầng lớp người dân có thu nhập thấp.

Việc đánh giá bằng cách cho điểm theo bộ công cụ LOTUS-R (dùng cho Nhà ở) cần dựa trên những thông tin thiết kế cụ thể và có lẽ nên dành cho các chuyên gia có kinh nghiệm của VGBC. Thiết nghĩ bản thân các tác giả cũng nên gửi hồ sơ để được cấp Chứng chỉ Công trình xanh bởi một trong số các hệ thống đánh giá có uy tín quốc tế – như LEED (Mỹ), BREEAM (Anh), Green Star (Úc), CASBEE (Nhật) hay Green Mark (Singapore) – thì sức thuyết phục sẽ cao hơn rất nhiều (không hiểu vì lý do gì mà một người rất thành thạo việc PR như Võ Trọng Nghĩa lại bỏ qua điều này?).

Công trình Nam An Retreat Babylon

Xét theo các tiêu chí Kiến trúc xanh của Hội KTS Việt Nam thì thấy:

Tiêu chí về Địa điểm bền vững: Các nhà ở gia đình đều phù hợp với quy hoạch được duyệt tại các khu dân cư (riêng các mẫu nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp thì chưa có địa điểm cụ thể). Tuy nhiên, về mối quan hệ với cảnh quan thì không mấy hòa nhập mà luôn có sự tương phản / khác biệt so với xung quanh – trên thực tế các công trình này luôn đập vào mắt người qua lại vì sự khác thường của hình thức bên ngoài. Cũng chưa thấy rõ mức độ ứng phó với thiên tai hay việc tham gia bảo vệ, phục hồi và nâng cấp môi trường tại địa điểm xây dựng – vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố quy hoạch và khả năng ứng dụng giải pháp trong phạm vi rộng, mà điều đó lại mâu thuẫn với tính cá biệt về hình thức (và xét theo tiêu chí về tính Xã hội – Nhân văn thì khó có thể được chấp nhận).

Tiêu chí về Sử dụng tài nguyên và năng lượng: Các nhà ở gia đình sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên (đá, gỗ), trong khi các mẫu nhà giá rẻ lại sử dụng nhiều vật liệu nhân tạo (thép, bê tông, tấm lợp,..). Về nguyên tắc, các vật liệu gỗ, đá,.. thân thiện với người sử dụng nhưng việc khai thác chúng có thể gây tác động môi trường ở địa phương khác; các vật liệu kính, thép,.. có thể được tái sử dụng nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng để sản xuất và tái chế. Hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng ngôi nhà cũng chưa được kiểm định cụ thể. Không có thông tin về việc sử dụng các công nghệ / thiết bị / vật liệu xanh (VD: pin mặt trời, tiết kiệm nước, kính năng lượng thấp,..) cũng như việc quản lý hiệu quả môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành (đòi hỏi ngay từ khâu thiết kế đã phải sử dụng phần mềm mô phỏng để tính toán và kiểm nghiệm – VD: Ecotect / Vasari để kiểm tra hiệu quả năng lượng). Các mẫu nhà giá rẻ cho công nhân không tính đến khả năng ghép nối / xây dựng 2-3 tầng nên sẽ chiếm dụng nhiều đất. Không rõ vì sao Võ Trọng Nghĩa không tiếp tục khai thác vật liệu tre rất sinh thái và dễ tái tạo cho nhà ở – chỉ thấy tre xuất hiện trong mẫu nhà giá rẻ cho công nhân (nhưng với cách thức không khác gì cái cũi) và ở House for Trees thì chỉ còn dấu vết của cốp pha tre trên mặt tường bê tông.

Tiêu chí về Chất lượng môi trường trong nhà: Tổ chức không gian kiến trúc và nội thất tốt, đơn giản, rõ ràng, sáng sủa và thoáng đãng, đạt hiệu quả về thị giác. Giải pháp mặt tiền cũng phù hợp với các nguyên lý chung về lớp vỏ bao che của kiến trúc sinh khí hậu, tuy nhiên cần xem xét thêm sự tương thích với các điều kiện vi khí hậu trong nhà – ví dụ: có thể ảnh hưởng đến khả năng thông gió nếu đóng cửa lại để ngăn tiếng ồn (ở Stacking Green), ngăn bụi (ở House for Trees), hoặc tường đá sẽ gây hiện tượng nồm / đọng sương do độ ẩm không khí cao (ở Stone House). Cũng cần xem xét cả sự phù hợp với mục đích sử dụng các không gian – ví dụ ở Bình Thạnh House: hình thức đan xen 3 tầng có lam bê tông chắn nắng và 2 tầng vách kính lớn không đúng với sự phân lập không gian cho các lối sống hiện đại và truyền thống giữa các thế hệ trong nhà? Riêng với các mẫu nhà ở giá rẻ thì vật liệu và cấu tạo bao che (làm vách, lợp mái) có phần còn đơn giản, mỏng mảnh, không gian lại thiếu chiều sâu (lòng nhà chỉ khoảng 2,5-3,0 m) nên vi khí hậu trong nhà chắc chắn bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện môi trường bất lợi bên ngoài (nóng / lạnh / ẩm / bụi / ồn,..).

Công trình Farming Kindergarten, một nhà mẫu giáo xanh tại Đồng Nai

Tiêu chí về Kiến trúc tiên tiến và có bản sắc: Mẫu nhà giá rẻ cho công nhân có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng (ăn ở, sinh hoạt) ở mức tối giản của các cá nhân / gia đình nhỏ, tuy nhiên chưa đề xuất được giải pháp quy hoạch trong trường hợp xây dựng hàng loạt (còn thiếu các hạng mục WC, phụ trợ, hạ tầng,..). Kiến trúc các ngôi nhà khác có sự tân tiến, nhưng rất khó nói cái gì là bản sắc – có chăng là một cảm giác “lạ mà quen” do thay đổi cách thức sử dụng những vật liệu quen thuộc. Mới thấy có những không gian (Space) đẹp mắt, sáng sủa và chau chuốt nhưng có phần khô khan, lạnh lùng – mà chưa thấy được không khí ấm cúng của nơi chốn (Place), không cảm nhận được hơi thở của cuộc sống hàng ngày (Everyday Life). Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa (yếu tố tâm linh / tín ngưỡng, tập quán thờ cúng tổ tiên, thế ứng xử, những kiêng kị về phong thủy,..), tâm lý và nhu cầu của người cao tuổi / người bệnh tật trong gia đình chưa được quan tâm. Đặc biệt là vấn đề hiệu quả kinh tế – xã hội cần phải được nhìn nhận một cách rất nghiêm túc: những ngôi nhà ở có giá hàng tỷ đồng, rộng hàng trăm m2 nhưng hiệu suất sử dụng không cao, chỉ phù hợp với những gia đình khá giả có mức thu nhập sung túc; còn những mẫu nhà nhỏ “rẻ tiền” mà có giá tới 70-80 triệu đồng thì người công nhân / nông dân nghèo làm sao có thể lo liệu được. Phải chăng đó là giá để chào hàng với các nhà đầu tư / doanh nghiệp? Và mức giá công bố 3.200-4.000 USD dường như là cũng nhắm tới thị trường xây dựng nước ngoài chứ không hướng tới đồng bào trong nước?
Tiêu chí về Tính xã hội – nhân văn bền vững: Như đã nói ở trên, những hình thức khác thường đến mức tương phản với xung quanh thì chắc chắn không thể gọi là biểu hiện sự hòa nhập với môi trường nhân văn. Con người bình thường ai cũng muốn khẳng định sự độc lập tự chủ, song chắc chắn không phải là sự khu biệt / biệt lập. Có thể nói trong những trường hợp này khía cạnh cá nhân / nhu cầu riêng tư của chủ nhà đã được các KTS cường điệu hóa đến mức kịch tính và mâu thuẫn – giữa cái nhìn ra từ bên trong và cái nhìn thấy ở bên ngoài. Khó nói được ở đây có cái gì đóng góp cho không gian chung / đáp ứng nhu cầu văn hóa và tinh thần của cộng đồng? Một hiện tượng không bình thường có thể tạo sự tò mò quan tâm nhất định, song nếu không có chừng mực và kéo dài mà không được giải tỏa thì lại gây nên sự ức chế, bức bối. Điều đó lý giải tại sao các công trình này có thể được bình chọn và khen ngợi nếu chỉ nhìn từ xa / qua ảnh / qua mạng, còn với những người tiếp xúc hàng ngày thì lại có cảm nhận hoàn toàn khác. Có thể nói không quá rằng danh tiếng thì nhà thiết kế được hưởng, còn điều tiếng thì để những người ở lại gánh chịu.

Đến đây đã có thể rút ra được vài nhận định bước đầu về những hiện tượng “nhà ở xanh” của Công ty Võ Trọng Nghĩa Architects – và phần nào lý giải được tại sao chúng lại có thể trở thành những “hiện tượng” nổi đình đám như vậy?

– Trước hết, xét từ góc độ Sinh thái / Bền vững thì các giải pháp thiết kế không có xuất phát điểm rõ ràng, không xác định bài toán cụ thể cần được giải quyết về môi trường khí hậu / nhân văn, do đó cũng không có số liệu để kiểm chứng / đánh giá tính hiệu quả. Có thể thấy là kiến trúc ngôi nhà ở cấp độ vi mô đang được dùng (như là một công cụ vạn năng) để giải quyết những vấn đề vĩ mô của xã hội và môi trường, bằng những giải pháp có tính nguyên tắc chung nhất – mà không nêu ra một triết lý / tiêu chí thiết kế, hay ít nhất cũng là một tuyên ngôn cho cách tiếp cận có tính hệ thống.

– Chính vì vậy mà người thiết kế không đi sâu vào bản chất / gốc rễ của Kiến trúc xanh mà chỉ đề cập một số trường hợp / hiện tượng riêng lẻ – tức là chỉ đụng chạm đến vùng ngoại vi / vùng giao thoa giữa một bên là các lĩnh vực Kiến trúc (tính thích dụng, tính thẩm mỹ, tính sáng tạo, tính tư tưởng) với bên kia là các vấn đề Xanh / Sinh thái (môi trường, vi khí hậu, kinh tế / kỹ thuật) – đúng hơn là dùng yếu tố của bên này để giải quyết vấn đề của bên kia. Tuy nhiên đó lại là cách đi rất khôn ngoan, vì vùng giáp ranh luôn là hành lang tương đối “an toàn” do không phải chịu sự kiểm soát trực tiếp bởi các chỉ tiêu / tiêu chuẩn / quy phạm của bên nào, cũng ít phải quan tâm đến sự chi phối bởi các yếu tố tác động phức tạp từ bên ngoài – tức là ít bị điều kiện ràng buộc.

– Cái khôn ngoan còn thể hiện ở chỗ người thiết kế đã khéo biết tận dụng sự lệch lạc và thiếu kiểm soát của môi trường kiến trúc – đô thị hiện nay như là một bối cảnh lộn xộn để làm nền / để khuếch đại những giải pháp đơn giản (nhưng không phải là cơ bản) cho những vấn đề phức tạp mà thực tế đang gặp phải. Trong bối cảnh chung của thời kỳ quá độ – khi mọi yếu tố đều đang vận động / chuyển hóa mà chưa có định hướng / kết quả rõ ràng – thì cách dùng phản đề để phủ định cái đang có, rồi lại phủ định cái bị phủ định,.. sẽ dễ được xem là đúng đắn, là sáng tạo và đổi mới mà bỏ qua sự mâu thuẫn với thực tiễn.

Cuối cùng, là lời đáp cho câu hỏi về khả năng vận dụng các giải pháp này ngõ hầu đạt được hiệu quả lớn hơn / tổng thể hơn cho sự phát triển ổn định về môi trường, về kinh tế và xã hội. Rõ ràng là ở các công trình kiến trúc nói trên có những yếu tố sáng tạo nhất định trong tạo hình và ngôn ngữ biểu hiện – song có phần cực đoan và duy lý (có lẽ do ảnh hưởng bởi cách nghĩ cách làm của người Nhật – từ khi Võ Trọng Nghĩa tu nghiệp ở bên đó cho đến những cộng sự bây giờ) nên khó nói là phù hợp với số đông người Việt về tâm lý, về nhu cầu cũng như về quan niệm thẩm mỹ. Và nếu như chúng được xem là những hình mẫu xứng đáng để học tập rồi được nhân rộng ra khắp nơi – thì chắc là diện mạo kiến trúc đô thị sẽ mất đi vẻ phong phú / sinh động mà trở nên thô thiển và đơn điệu. Trên phương diện xã hội, những “hiện tượng” như vậy – cùng với sự góp sức thái quá của truyền thông – đang làm cho nhận thức của cộng đồng về Kiến trúc bền vững bị sai lệch, làm cho ấn tượng về Kiến trúc xanh phần nào trở nên xa lạ đối với người dân.

Xét riêng từ góc độ nhân văn, thì có một cảm nhận đáng tiếc về sự phân hóa / khu biệt hóa có phần cực đoan trong cách tiếp cận thiết kế. Yếu tố gia đình đang bị chia tách thành từng cá thể – khiến con người trở nên nhạt nhòa, lạc lõng như những nhân vật “bất đắc dĩ có mặt” trong ngôi nhà, khiến gia đình trở thành “ly tán” ngay trong tổ ấm của chính mình. Gia đình ở Bình Thạnh House có 3 thế hệ – thì mỗi thế hệ ở một tầng tách biệt. Gia đình ở House for Trees thì bị xé lẻ, mỗi người bị đẩy vào một góc riêng. Còn gia đình ở Stacking Green thì khiến ta chạnh lòng khi liên tưởng đến những câu thơ của Chế Lan Viên:

“Mảnh vườn treo cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở trên lầu “công tác”
Có bao giờ cùng trở lại ngày xưa?…”

Tuy nhiên, xét trên góc độ của tiến trình phát triển thì kiến trúc cũng cần những thử nghiệm như thế – Để từng bước tiếp cận kiến trúc xanh và kiến trúc bền vững.

TS.KTS Nguyễn Trí Thành – TS.KTS Khuất Tân Hưng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2016)





Các đối tác

Kết nối