Sân vận động Olympic Hàng Châu - cảm hứng từ cánh sen Á Đông | NBBJ
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 28/5/2020
Sân vận động Olympic Hàng Châu là một dự án thể thao độc
đáo, ấn tượng và mang vẻ đẹp phi hình khối – kết quả của những thuật
toán Parametric phức tạp. Nằm tại nơi được mệnh danh là “thiên đường hạ
giới” của Trung Hoa, sân vận động 80.000 chỗ ngồi này trở thành một địa
điểm quan trọng đối với những người yêu thể thao nói chung và bóng đá
nói riêng.
Thông tin dự án
- Tên đầy đủ: Hangzhou Olympic Sport Center (Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu)
- Thể loại: Trung tâm thể thao/ Sân vận động
- Địa điểm: Tỉnh Chiết Giang, TP. Hàng Châu, Trung Quốc
- Đơn vị thiết kế: NBBJ
- Tổng diện tích: 400.000 m²
- Năm hoàn thiện: 2018
- Mở cửa đón khách: tháng 12 năm 2018
- Nhiếp ảnh: Shao Feng, Terrence Zhang
- Chủ đầu tư: City of Hangzhou
- Đơn vị phụ trách kỹ thuật: Buro Happold
Thuyết minh của KTS:
Bằng kinh
nghiệm hành nghề và triết lý thiết kế bền vững, NBBJ đã xuất sắc trở thành đơn
vị phụ trách dự án thể thao tầm cỡ tại Hàng Châu – một trong những thành phố thịnh vượng nhất
Trung Hoa.
Để chuẩn bị thiết kế một sân vận động chuyên tổ chức các sự kiện thể
thao đẳng cấp thế giới, NBBJ đã dành sự quan tâm nghiên cứu đối với các
không gian công cộng và hình khối kiến trúc thật sự bắt mắt trong đô
thị.
Sân vận động
Hàng Châu được thiết kế theo hình tượng cánh sen Á Đông. Dự
án ra đời như ví dụ điển hình về sự xuất hiện của Kiến trúc Tham số (Parametric
Architecture) tại Trung Quốc.
Toàn bộ trung tâm thể thao này có sức chứa lên đến 90.000 người, bao
gồm sân vận động chính 80.000 chỗ ngồi với kích thước chuẩn Olympic, và
sân tennis 10.000 chỗ ngồi.
Theo dữ liệu năm 2018, trung bình cứ mỗi tấn thép được sản xuất sẽ
đào thải ra 2 tấn CO2, do đó NBBJ đã đưa ra một giải pháp bền vững với
môi trường khi sử dụng ít thép nhất có thể. Sân vận động Olympic Hàng
Châu sử dụng thép ít hơn 67% so với Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh – hay
còn được biết đến với cái tên SVĐ Tổ chim.
Để giảm thiểu vật liệu thép, giải quyết về hiệu suất
năng lượng và kiến tạo
nên sự linh hoạt, KTS đã sử dụng các kịch bản tính toán theo hai
cách:
- Liên kết vỏ thép và bát bê tông với nhau để hai hệ thống hoạt động đồng nhất.
- Gia tăng cấu trúc chịu lực bổ sung ở đầu mỗi bát bê tông để giảm thiểu lượng thép từ dầm mái.
Bài toán được giải quyết bằng các tham số theo từng kịch bản về chịu
lực, tải trọng và lượng khán giả trong sức chứa cho phép… Từ đó, KTS lựa
chọn phương án khả thi nhất, dần hình thành nên các định hướng thiết kế
về hình khối, đồng thời áp dụng các quy chuẩn về âm học, trường nhìn,
kích thước, khoảng cách và số lượng ghế ngồi…
Khi
nghiên cứu và phát triển mô hình kiến trúc tham số (Parametric Architecture),
NBBJ luôn đề cao yếu tố bền vững và tính khả thi – do Sân vận động Hàng Châu ngay từ đầu đã được định
hướng là dự án giảm thiểu sử dụng thép.
Phương pháp thiết kế Parametric Architecture đã không còn xa lạ ở
nhiều thành phố lớn trên thế giới. Tuy phức tạp nhưng độ an toàn, tính
thẩm mỹ và khả năng thi công thực tế được đảm bảo hơn nhiều so với các
kiểu thiết kế truyền thống nếu muốn tạo ra những hình khối kiến trúc
khó.
Trong việc
tạo ra nhiều không gian hơn cho khán giả sau mỗi trận đấu bóng nghẹt thở, KTS
đã quy hoạch không gian của Sân vận động theo chiều hướng liên kết. Các không
gian link với nhau như một “dòng chảy” và dễ dàng tiếp cận từ hệ thống hành
lang giao thông được tổ chức mạch lạc.
Các không gian chức năng phụ tại Trung tâm Olympic Hàng Châu có thể
kể đến bao gồm: hệ thống hành lang thay đổi cao độ liên tục tạo hiệu ứng
thị giác, những vườn cây nhỏ rải rác khắp các lối đi, sảnh Sân vận động
chính, sân Tennis và các khu chức năng dịch vụ đầy tiềm năng khác.
Theo Duc Anh (Kiến Việt/ Archdaily)