Home Tin tức Kiến trúc xây dựng
15 công trình kiến trúc high-tech nổi bật bạn nên biết

By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 9/5/2021

Được dẫn dắt tiên phong bởi các KTS Richard Rogers, Norman Foster, Michael và Patty Hopkins, Nicholas Grimshaw và Renzo Piano, kiến trúc high-tech là phong cách chủ đạo của thế kỷ 20 với đặc điểm sử dụng vật liệu công nghiệp và sự biểu hiện của kết cấu.

Kiến trúc high-tech xuất phát từ phong cách kiến trúc hiện đại, ứng dụng những tiến bộ trong vật liệu và công nghệ xây dựng thời bấy giờ. Đặc điểm nổi bật là sử dụng vật liệu công nghiệp và sự biểu hiện của kết cấu vì vậy nó còn được xem như là chủ nghĩa biểu hiện kết cấu (Structural Expressionism).

Dưới đây là 15 công trình high-tech nổi bật mà bạn nên biết:

1. Trung tâm phân phối Renault, thiết kế bởi Foster Associates (1982)

Cái tên đầu tiên trong danh sách là Trung tâm Phân phối Renault rộng 25.000 m² ở Swindon (Anh) được thiết kế bởi công ty Foster Associates. Đây được xem là công trình độc đáo và ấn tượng nhất của phong cách high-tech.

Công trình được hoàn thành năm 1982, trở thành cơ sở phân phối chính ở Anh cho xưởng sản xuất xe hơi Renault nổi tiếng của Pháp. Người ta có thể dễ dàng nhận ra nó nhờ vào 59 cột màu vàng tươi và dầm thép hình cung đỡ mái.

2. Reliance Controls,  thiết kế bởi Team 4 (1967)

Reliance Controls là tòa nhà công nghiệp đầu tiên được hoàn thiện theo phong cách high-tech và cũng là tòa nhà cuối cùng được thiết kế bởi Team 4 – công ty cũ của bộ tứ Foster, Rogers, Su Brumwell and Wendy Cheesman.

Reliance Controls là một kho hàng độc lập, hình chữ nhật có kết cấu được thiết kế có thể nhìn thấy từ bên ngoài. Bên trong chỉ có nhà vệ sinh, nhà bếp và buồng máy được đặt cố định để có thể dễ dàng tái cơ cấu tòa nhà.

3. Centre Pompidou, thiết kế bởi Richard Rogers & Renzo Piano (1977)

Centre Pompidou ở Paris được Rogers và Renzo Piano thiết kế thành một phòng chứa nghệ thuật cực kỳ linh động. Tòa nhà này thu hút sự quan tâm của công chúng quốc tế về phong cách thiết kế high-tech.

KTS Renzo Piano miêu tả đây là một “tàu không gian khổng lồ, hạ cánh bất ngờ xuống trung tâm thành phố Paris”. Tòa nhà có cấu trúc và các khu kỹ thuật phục vụ đầy màu sắc ở phần ngoại thất.

4. Tòa nhà HSBC, thiết kế bởi Foster Associates (1979)

Trụ sở tập đoàn HSBC là một tòa nhà cao chọc trời, đánh dấu thương hiệu toàn cầu của KTS Norman Foster. Tòa nhà 44 tầng được thiết kế nhằm mục đích trở thành “trụ sở ngân hàng tốt nhất thế giới”.

5. Portcullis House, được thiết kế bởi Hoplins Architects  (2001)

Tọa lạc cạnh cung điện Westminster (London), Portcullis House là minh chứng của việc tinh thần kịch tính và vị lai của phong cách high-tech có thể đặt cạnh môi trường chính sử nhạy cảm.

Nó được thiết kế bởi văn phòng của KTS Michael & Patty Hopkins với một bộ mái lợp lên trên những ống khói và một cấu trúc phụ khỏe khoắn có thể nhìn xuyên qua ga tàu điện ngầm London ở ngay bên dưới. 

6. Siêu thị Sainsbury’s và khu Grand Union Walk, thiết kế bởi Grimshaw (1988)

Phong cách vị lai của siêu thị Sainsbury’s được thể hiện qua khung xương bằng thép với một mặt bằng mở và tầng cửa hàng không có cột, được thiết kế để tận dụng tối đa không gian cho các kệ hàng, khu đông lạnh và quầy thu ngân.

Công trình này còn là một phần của khu phức hợp Grand Union (được đặt theo tên của một kênh đào gần đó) gồm một dãy các nhà liền kề, nằm trong một chung cư high-tech hiếm hoi.

7. Sân bay Kansai, thiết kế bởi Renzo Piano Building Workshop (1994)

Sân bay quốc tế Kansai của KTS Renzo Piano được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo ở vịnh Osaka, được chú ý bởi hình thức lộ kết cấu và bộ mái được chia nhịp rõ ràng, bất đối xứng.

Điểm đặc trưng nhất của công trình này là nhà ga high-tech dài 1 dặm (tương đương 1,6 km), giúp nó trở thành thành sân bay dài nhất thế giới.

8. Tòa nhà Lloyd, thiết kế bởi Richard Rogers (1986)

Công trình trọng điểm thứ hai của KTS Roger (sau công trình Centre Pompidou) là tòa nhà Lloyd ở London. Đây là dấu ấn thiết kế nổi bật nhất của thập niên 80.

Trụ sở ở London của Lloyd – một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới được nhận diện bởi thẩm mỹ high-tech triệt để từ trong ra ngoài của nó.

9. Tòa nhà Willis Faber & Dumas, thiết kế bởi Foster Associates (1975)

Được thiết kế bởi Foster Associates, tòa nhà Willis Faber & Dumas ở Ipswich là một khu văn phòng 3 tầng, được sắp xếp thành những bức tường thủy tinh cong vút bao quanh cấu trúc tòa nhà.

Ưu tiên của thiết kế này là khuyến khích “tinh thần cộng đồng” giữa các nhân viên bằng cách cung cấp không gian nội bộ linh động và không bị chia cắt để hình thành văn phòng có mặt bằng mở.

10. Nhà máy Herman Miller, thiết kế bởi Farrell & Grimshaw (1976)

Nhà máy Herman Miller ở thành phố Bath được thiết kế bởi Terry Farrell & Nicholas Grimshaw với một bố cục mặt bằng mở, có tính thích ứng để đáp ứng nội thất văn phòng mà Herman Miller đã sản xuất.

Ngoại thất của công trình cũng có tính linh hoạt, được nhận dạng bằng những tấm lát màu vàng nhạt, có thể tháo rời, hoán đổi cho nhau và tinh chỉnh lại cấu hình. Năm 2013, công trình nằm trong danh sách Grade II (1) về tầm ảnh hưởng đến thiết kế môi trường làm việc công nghiệp.

11. Nhà máy Inmos Microprocessor, thiết kế bởi Richard Rogers (1982)

Nhà máy Inmos Microprocessor là hình mẫu thiết kế đầu tiên về một nhà máy đơn tầng cực kỳ linh động, được xây dựng từ những linh kiện thép được đúc sẵn.

Người ta có thể dễ dàng nhận ra nó bởi kết cấu có vẻ ngoài độc đáo và khu phục vụ cũng xuất phát từ 9 ngọn tháp màu xanh ở dọc mái nhà.

12. Dự án Eden, thiết kế bởi Grimshaw (2001)

Dự án được cho là nổi tiếng nhất của Grimshaw – dự án Eden được xây dựng từ một mỏ đá ở Cornwall. Nó nổi bật bởi một một chuỗi liên kết các cấu trúc có hình dạng như bong bóng.

Việc áp dụng hình dạng khác biệt như vậy cho phép người ta thiết kế tòa nhà trong khi vẫn đang đào mỏ đá. Mỗi mái vòm được liên kết với nhau tạo thành một bộ khung bằng thép bao quanh các mái che ETFE hình lục giác.

13. Hopkins House, thiết kế bởi Hopkins Architects (1976)

Hopkins House là nhà kiêm văn phòng tự thiết kế của Michael & Patty Hopkins. Đây là dự án đầu tiên của đôi vợ chồng này, từ đó họ thành lập công ty kiến trúc Hopkins Architect.

Kỹ sư Anthony Hunt đã thiết kế tòa nhà hai tầng có cấu trúc thủy tinh và thép lá mỏng với ý định tạo ra không gian mở và linh hoạt chỉ với một vài sự ngăn chia ở bên trong mang tính lâu dài.

14. Khu căn hộ Park Road, thiết kế bởi by Farrell & Grimshaw (1970)

Một ví dụ hiếm hoi nữa về nhà ở high-tech là tòa nhà cao tầng mạ kim loại được đặt tên Park Road. Thực ra, ban đầu đây là nhà riêng của Farrell & Grimshaw.

Bị ảnh hưởng bởi phong cách thiết kế văn phòng, lõi của nó đóng lại ở phần trung tâm và phần chu vi còn lại là không gian mở. Nó được thiết kế sao cho mỗi tầng có thể phát triển thành 14 căn phòng nhỏ hoặc một căn hộ lớn.

15. Sân bay Stansted, thiết kế bởi Foster Associates (1991)

Văn phòng của Norman Foster đã “thách thức các quy tắc thiết kế nhà ga” khi phát triển sân bay Stansted, lần đầu tiên, phong cách kiến trúc high-tech được đưa vào ngành hàng không.

Tất cả các dịch vụ sân bay, chỗ để hành lý và nhà ga xe lửa đều được đặt ở tầng thấp nhất. Do đó, không gian cho hành khách được rộng lớn, linh hoạt và thoáng mát; ở đó chỉ có các cột lớn hình cây để đỡ mái nhà.

Nguồn Anh Tuấn - Kienviet.net / Dezeen





Các đối tác

Kết nối