NHÀ CỘNG ĐỒNG VÀ HOMESTAY NẬM ĐĂM - THIẾT KẾ: 1+1>2
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 11/5/2016
Đoạt giải Vàng – Kiến trúc xanh 2015-2016 của Hội KTSVN, nhà cộng
đồng Nậm Đăm (Hà Giang) do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 thiết kế là một
trong những công trình thuộc dự án “Làng đất” của thôn Nậm Đăm, tỉnh Hà
Giang. Đồ án theo mô hình nhà trình tường truyền thống của địa phương
kết hợp với tạo hình cách tân nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí: tiết kiệm
năng lượng, giá thành rẻ, thi công đơn giản, phù hợp với đời sống – văn
hóa – xã hội của người dân bản địa.
Tên dự án: Nhà cộng đồng & Homestay Nậm Đăm
Kiến trúc sư chủ trì: Nguyễn Duy Thanh, Hoàng Thúc Hào.
Nhóm thực hiện: Lê Đình Hùng, Trần Hồng Nam, Vũ Xuân Sơn, Nguyễn Văn Hân
Tổ chức thực hiện: Nhân dân bản địa thôn Nậm Đăm, NGO Caritas Thụy Sỹ, Văn phòng kiến trúc 1+1>2.
Công ty: Công ty Kiến trúc 1+1>2
Thể loại: Nhà cộng đồng
Được bao bọc bởi rừng già nguyên sinh và ruộng bậc thang tuyệt đẹp,
Nậm Đăm là làng của người Dao áo dài tại xã Quản Bạ (Hà Giang). Cộng
đồng làng đã phối hợp với tổ chức NGO Caritas (Thụy Sỹ) để chỉnh trang
ngôi làng nhằm phát triển du lịch, tăng diện tích canh tác, cải thiện
chất lượng cuộc sống, duy trì và phát huy bản sắc. Từ 2002 đến 2015,
khoảng 50 ngôi nhà được xây, phục vụ thiết thực đời sống và thúc đẩy du
lịch.
Các ngôi nhà trong làng đều sử dụng tường trình đất dày, giúp giữ ấm
về mùa đông và mát vào mùa hè. Bằng phương thức cho nhau vay ngày công
lao động, dân làng chia thành các nhóm thợ tự giúp nhau xây nhà. Họ tận
dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu tái chế từ các nhà cũ- giảm đáng kể giá
thành xây dựng. Các đơn vị nhà ở cơ bản có thể phát triển nối dài hoặc
nâng mái – biến đổi từ gác xép thành tầng ngủ, tạo thành các không gian
homestay, phục vụ thiết thực du lịch.
Công trình nổi bật giữa làng là Nhà cộng đồng kết hợp Homestay do KTS
Nguyễn Duy Thanh, Hoàng Thúc Hào và các cộng sự Văn phòng 1+1>2
thiết kế.
Ý tưởng công trình thể hiện tinh thần đổi mới trên nền bản sắc địa
phương. Nhà cộng đồng gồm 2 tầng với tường đất dày 80cm, tầng 1 là bếp
và sinh hoạt chung, trưng bày giới thiệu sản phẩm thủ công đồng thời có 2
phòng ngủ của gia chủ. Tầng 2 có 3 phòng ngủ cho khách. Khoảng thông
tầng và hiên – ban công kết nối không gian linh hoạt, tăng khả năng
chiếu sáng tự nhiên và thông gió đối lưu.
Nhà có màu sắc, vật liệu thân thiện, vừa lạ vừa quen. Hệ mái vát gấp
khúc cách tân tượng trưng cánh én hay nhịp điệu núi đồi – Chim én thường
làm tổ dưới mái nhà người Dao, họ quan niệm chim én đem lại may mắn.
Công trình tiết kiệm năng lượng do sử dụng hệ ngói kép cách nhiệt,
thu nước mưa tái sử dụng, kết cấu khung bê tông tường trình đất kết hợp
vì kèo gỗ. Toàn bộ quá trình xây dựng thủ công, không gây tiếng ồn, hạn
chế phát thải ra môi trường. Ngôi nhà được cộng đồng bản địa chung tay
xây dựng với chi phí 30000$.
Các hạng mục xây dựng khác thuộc dự án “Làng đất”
30 đơn vị nhà dân cơ bản: Bằng phương thức
“cho nhau vay ngày công lao đông”, dân làng đã chia thành các nhóm thợ
tự giúp nhau xây nhà. Mỗi ngôi nhà tận dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu
tái chế từ ngôi nhà cũ, hình thành trong khoảng 2 tháng với kinh phí từ
US$ 2000 – US$ 3500.
12 Nhà Dân kết hợp homestay nhỏ: Mỗi nhà ở –
homestay này có thể phục vụ tối đa 10 du khách, họ sinh họat, tắm thuốc
và tham gia các hoạt động văn hóa như một thành viên của gia đình.
6 Nhà dân kết hợp homestay lớn: Được thiết
kế phục vụ cho những đoàn khách lớn trên 10 người. Tầng một là không
gian ăn uống sinh hoạt, tầng 2 là không gian ngủ, vách ngăn di động ngăn
chia các gian to nhỏ khác nhau, phục vụ đa dạng nhu cầu sử dụng. Kinh
phí xây dựng khoảng US$ 4600 trong 3 tháng.
Bảo tàng và thư viện: Dưới
sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tổ chức NGO, dân làng tự nguyện
góp vật liệu và công lao động xây bảo tang và thư viện cho chính con em
họ. Việc sử dụng dải mầu sặc sỡ như những tấm thổ cẩm quen thuộc nhằm
tạo hứng thú cho các em mỗi khi đến lớp. Trường mầm non được xây với
ngân sách US$ 4500 trong 3 tháng.
Đây là mô hình có khả năng góp phần chuyển đổi về kinh tế – xã hội,
cải thiện chất lượng cuộc sống, gìn giữ và phát huy bản sắc của Nậm Đăm,
Hà Giang. Tổng thể kiến trúc quy hoạch làng theo hướng bền vững, thân
thiện môi trường, giảm thiểu tối đa vật liệu hóa thạch, sử dụng năng
lượng tái tạo, nhân công tại chỗ. Hy vọng từng bước mô hình này sẽ được
nghiên cứu, rút kinh nghiệm, áp dụng cho địa phương khác.
Nhận xét của Ban giám khảo Giải thưởng Kiến trúc xanh – Spec go green 2015
– Nhà cộng đồng và homestay Nậm Đăm là một công trình
thú vị, xuất phát từ những nghiên cứu nghiêm túc và kĩ càng về vật liệu,
kỹ thuật xây dựng và kiến trúc bản địa nhưng lại xuất hiện một điểm phá
cách, đó là sự biến đổi về tạo hình mái. Điều đó, đã mang lại dấu ấn
đặc biệt cho công trình – thổi sức sống mới, vận mệnh mới cho ngôn ngữ
kiến trúc truyền thống.
– Sử dụng tường trình làm vật liệu xây dựng, tuy nhiên công trình
vẫn chưa tạo nên sự đột phá thực sự, do tường đất với thiết kế hai tầng
vẫn chỉ là vật liệu bao che chứ không trở thành kết cấu chịu lực cho
công trình.
Theo Kienviet.net