Home Góc sinh viên Các hoạt động
SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG XUẤT SẮC ĐẠT GIẢI VÒNG CHUNG KẾT CUỘC THI “NHÀ THIẾT KẾ TRẺ CHÂU Á - AYDA 2019”
By Bộ môn Kiến trúc dân dụng - 17/1/2020

Ngày 04/01/2020 vừa qua, ba sinh viên thuộc Khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học xây dựng đã xuất sắc đạt giải trong Vòng chung kết cuộc thi Nhà thiết kế trẻ Châu Á – AYDA 2019 được tổ chức tại khách sạn Nikko Saigon, Tp Hồ Chí Minh. Top 10 vào vòng chung kết của cuộc thi còn có sự góp mặt của các sinh viên xuất sắc đến từ Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Văn Lang, Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh và Đại học Mĩ thuật Công nghiệp.



Cuộc thi AYDA do tập đoàn Nippon Paint tổ chức lần đầu tiên tại Malaysia năm 2008. Năm 2011, cuộc thi lần đầu đến Việt Nam, và tới nay đã được 9 năm. Năm nay, với hơn 550 đồ án đến từ 20 cơ sở đào tạo Kiến trúc sư trên cả nước, BGK đã lựa chọn được 10 đồ án có cơ hội bước tiếp hành trình, trong đó có 3 đồ án của sinh viên khoa KT&QH trường Đại học xây dựng. Đây là lần thứ 2 sinh viên trường ĐHXD xuất sắc lọt vào vòng chung kết Cuộc thi AYDA.
 
Vòng Chung kết Quốc gia diễn ra vào ngày 04/01/2020 tại Khách sạn 5 sao Nikko Sài Gòn. Top 10 đã có những phút giây thuyết trình và phản biện đầy căng thẳng, hồi hộp, cùng với đó là những niềm vui vỡ òa hay kỉ niệm đáng nhớ. Trong sô 7 đồ án hạng mục thiết kế kiến trúc , có 3 đồ án của sinh viên Khoa Kiến trúc & Quy hoạch Trường Đại học Xây dựng đã đạt giải trong Vòng Chung kết quốc gia:
 
1. Sv Nguyễn Kiên Tố - Lớp 61KDF – Giải Ba
2. Sv Hoàng Minh Quang - Lớp 60KDF – Giải Ba
3. Sv Nguyễn Văn Cường - Lớp 59KD6 – Giải Ba & Giải ý tưởng màu sắc

==============================================================================
Low Garden

  • SVTH : Nguyễn Kiên Tố - Lớp 61KDF

  • GVHD:Ts. Kts Trần Minh Tùng


Đồ án : Low Garden

SV Nguyễn Kiên Tố
Thông điệp thiết kế : Khi mà quá trình đô thị hóa phát triển, dẫn đến các vấn đề về giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường,... và các không gian ‘’xanh’’ trong đô thị cũng ngày càng biến mất dần. Đồ án tận dụng những hầm bộ hành - những không gian bị bỏ phí để có thể biến nó thành một không gian xanh bền vững, một không gian có thể tránh khỏi khói bụi và ô nhiễm. Kết hợp các dịch vụ để có thể tạo thành một cộng đồng xanh bền vững (suistainable green community) để có thể chăm sóc, bảo vệ và phát triển không gian này. Từ đó tạo thành một nguyên lí có thể áp dụng và nhân rộng mô hình này tại các nút giao lớn ở nhiều nơi không chỉ Hà Nội, hay Việt Nam, mà có thể là cả Châu Á.
 
L’eau, C’est Cadeau

  • SVTH : Hoàng Minh Quang – Lớp 60KDF

  • GVHD: Ths. Kts Trần Quốc Việt


Đồ án : L’eau, C’est Cadeau

SV Hoàng Minh Quang
Thông điệp thiết kế : Sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị gây áp lực gia tăng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng như thương mại, bên cạnh đó nước thải tính trên đầu người cũng ngày càng gia tăng. Điển hình tại Hà Nội là sông Tô Lịch – một dòng sông lịch sử đã trở thành dòng sông chết do tác động của nước thải. Dự án L’EAU, C’EST CADEAU với thông điệp hướng đến “TƯƠNG LAI BỀN VỮNG” tạo ra các trạm xử lý nước thải ngay tại nguồn. Cung cấp không gian công cộng đồng thời tạo môi trường giáo dục ý thức bảo vệ nguồn nước sạch. Dự án lựa chọn những khu vực đông dân cư, thiếu sân chơi, không gian công cộng. Đặt công trình trên dòng sông gồm phần nổi là không gian cộng đồng, phần ngầm là hệ thống xử lý nước thải, các không gian phụ trợ, … L’eau c’est Cadeau mang lại lợi ích bền vững cho tương lai
 
Inside Out – sắc màu không gian đánh thức cảm xúc

  • SVTH : Nguyễn Văn Cường – Lớp 59KD6

  • GVHD: Hs. Nguyễn Việt Khoa


Đồ án : Inside Out - sắc màu không gian đánh thức cảm xúc

SV Nguyễn Văn Cường
Thông điệp thiết kế : Tự kỷ là một vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội vì chỉ sau 10 tới 20 năm nữa, nếu không chú ý phát hiện sớm và tìm ra phương pháp can thiệp thích hợp thì tự kỷ sẽ trở thành một căn bệnh khó chữa trị và gây hậu quả nghiêm trọng tới gia đình và xã hội. Tìm hiểu có 2 phương pháp điều trị : Phương pháp Y - Sinh học (thụ động) và phương pháp Tâm lý - Giáo dục (chủ động). Tiếp cận đề bài người thiết kế đề xuất một nơi trải nghiệm lấy không gian, màu sắc làm chủ đạo kích thích đầy đủ các giác quan của trẻ , đánh thức các giá trị bên trong, từ đó phục hồi dần các chức năng đã mất. Phương án đưa ra một không gian chu trình trải nghiệm, lấy không gian làm chủ  đạo tác động, kích thích các giác quan, cảm xúc của trẻ đánh thức các giá trị bên trong, từ đó phục hồi dần các chức năng đã mất. sử dụng dải màu sắc dẫn hướng cũng như các khối nhà mang yếu tố ẩn dụ cảm xúc mà người sử dụng được trải nghiệm từ buồn chán, lo âu đến vui vẻ, hạnh phúc. Chu trình trải nghiệm không gian cũng chính là chu trình trải nghiệm màu sắc, trải nghiệm cảm xúc.





Theo http://ktqh.nuce.edu.vn/





Các đối tác

Kết nối